Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran bắt đầu có hiệu lực
Kể từ ngày 5-11-2018, Washington liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ Tài chính Mỹ đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT có trụ sở tại Bỉ về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong "danh sách đen" của Washington. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng cũng được áp đặt trở lại từ ngày 5-11.
Sau khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào khu vực tài chính và dầu mỏ của Iran bắt đầu có hiệu lực, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông John Bolton (Giôn Bôn-tơn) tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt bổ sung thêm các lệnh trừng phạt Iran trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, Mỹ cũng đã quyết định miễn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Iran đối với 7 nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng nằm trong danh sách được miễn.
Trước đó, ngày 2-11, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố việc tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran, vốn từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).
Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ đã áp đặt vòng trừng phạt đầu tiên nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác của Iran.
Nguy cơ khó lường
Việc khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran là một phần trong các biện pháp của Mỹ nhằm gây áp lực buộc Iran hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động mà Washington gọi là "tài trợ cho khủng bố". Nhà Trắng cũng hy vọng khi kinh tế khó khăn, dư luận trong nước bất an, ảnh hưởng và vai trò của Iran trong khu vực sẽ giảm sút. Và các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được coi là đợt “tấn công” toàn diện nhằm triệt tiêu nền kinh tế Iran, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC với sản lượng 2,5 triệu thùng dầu/ngày
Theo các đánh giá, với đợt trừng phạt này, lượng dầu xuất khẩu của Iran có thể sẽ sụt giảm tới 2/3. Một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran, trong khi nhiều nước sẽ phải giảm lượng nhập khẩu. Những tác động này khiến Iran khó tránh khỏi khó khăn lâu dài khi nguồn thu từ dầu mỏ giảm, đồng nội tệ tiếp tục mất giá, đời sống khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), kinh tế Iran có thể suy giảm 3% trong năm 2018 và 4% năm 2019.
Tuy nhiên, trên thực tế thì Iran vẫn có đủ nội lực và sự “trợ giúp” cần thiết để đối phó với các đòn trừng phạt của Mỹ. Kể từ khi Mỹ áp đặt gói trừng phạt đầu tiên hồi tháng 8, dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng Iran đã có những bước đi mang tính chủ động để ứng phó với đợt trừng phạt thứ hai này. Điều đó có thể thấy từ cuộc cải tổ nội các gần đây, với việc ông Farhad Dejpasand (Pha-hát Đê-pa-xan) trở thành tân Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Iran. Hơn nữa, Iran đã tích cực hợp tác với nhiều đối tác, trong đó có EU, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…
Chính điều này đã cho thấy, Mỹ đã bị cô lập khi tiến hành trừng phạt Iran, Mỹ không thể cùng một lúc gây căng thẳng với nhiều đối thủ, bởi điều này gây bất lợi cho chính nước Mỹ. Thực trạng này sẽ khiến trong chừng mực nào đó, chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải “linh hoạt” với các nước nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ...
Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia khu vực tin rằng, Saudi Arabia và một số đồng minh của Riyadh không đủ khả năng bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran. Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo sẽ có biến động trong thời gian tới, giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm sau nếu cung không đủ cầu. Khi ấy Iran vẫn có khả năng được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao. Dù lượng dầu xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm sút, nhưng Iran vẫn có thể duy trì ở mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, không loại trừ Iran có thể thông qua nước láng giềng Iraq để tiếp tục bán dầu.
Cũng có ý kiến cho rằng, những biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ gây tổn hại cho Tehran chứ không tạo ra một chiến thắng thực sự cho chính quyền Tổng thống Trump và Mỹ chẳng được lợi lộc gì từ việc làm này mà trái lại chỉ kích động làn sóng "bài" Mỹ ở Trung Đông.
Có thể nói, Iran là một thế lực nổi trội và có nhiều tiềm lực thực sự trong khu vực. Theo các phân tích, nếu bị "dồn vào đường cùng", Tehran có thể sử dụng các "quân bài" như nối lại chương trình hạt nhân, rút khỏi thỏa thuận với nhóm P5+1, hoặc phong tỏa Eo biển Hormuz - nơi mỗi ngày có tới khoảng 18,5 triệu thùng dầu, chiếm gần 30% tổng dầu xuất khẩu bằng đường biển trên thế giới đi qua.
Ngoài ra, Iran cũng có thể kết nối các phong trào hay lực lượng vũ trang dòng Hồi giáo Shi’ite trong khu vực, vốn được họ hậu thuẫn lâu nay, cùng với Tehran phát động làn sóng phản kháng Mỹ. "Kịch bản" này có thể khiến Trung Đông rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm và khó lường bởi vốn dĩ mâu thuẫn giáo phái giữa dòng Sunni và Shi’ite bao năm nay chưa được hóa giải, khi đó sẽ chuyển thành đối đầu giữa một bên là Mỹ và các đồng minh khu vực và một bên là phe Hồi giáo Shi’ite do Iran đứng đầu.
Ở khu vực Trung Đông, sự liên quan giữa dầu mỏ và chính trị luôn cực kỳ phức tạp, dầu mỏ có thể trở thành vũ khí tấn công và đôi khi lại là mồi lửa đủ để biến cả khu vực thành "chảo lửa" chẳng thể dập tắt. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng" cho trật tự thế giới.
Theo TTXVN