Với việc có đủ 6 nước thành viên phê chuẩn, cánh cửa để CPTPP chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay, đã rộng mở. Cách đây hơn 2 năm, văn kiện "tiền thân" của CPTPP, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, hoàn tất khâu đàm phán vào tháng 2-2016. TPP khi ấy được chào đón nồng nhiệt như "bản lề cho một trật tự thương mại mới", vạch ra một bộ tiêu chuẩn mới cho các hiệp định tự do thương mại, dám đi vào những vấn đề gai góc nhất mà các hiệp định từ trước tới nay chưa từng đề cập. Tuy nhiên, niềm hân hoan dần được thay thế bằng không khí lo lắng bao trùm khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với một chiến dịch tranh cử "đầy ác cảm với TPP". Dù đã dự đoán trước được ngày ông Trump sẽ đặt bút ký vào sắc lệnh đưa Mỹ ra khỏi TPP, nhưng ngày 24-1-2017 vẫn còn đọng lại như một dấu mốc đen tối với siêu hiệp định này.
Nhanh chóng vượt qua cú sốc, với quyết tâm theo đuổi hiệp định tới cùng, 11 thành viên còn lại của TPP lập tức ngồi vào bàn đàm phán để cứu vãn thỏa thuận. Tháng 11-2017, 11 nước thành viên TPP còn lại ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP. Sau quá trình đàm phán, tháng 3-2018, văn kiện nội dung CPTPP được 11 nước ký kết thông qua đi kèm với quy định hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ khi được 6 quốc gia thành viên phê chuẩn. Ngày 31-10, Australia chốt danh sách 6 quốc gia đầu tiên "tham gia sân chơi lớn" cùng với New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore.
Không cần có Mỹ, CPTPP vẫn đủ sức tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, trải dài cả 3 châu lục Á, Mỹ và Đại Dương với thị trường lên tới 463 triệu dân và GDP vào khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á, Tiến sĩ Deborah Elms (Đê-bô-ra En-mơ), khẳng định ngay cả khi không có Mỹ, CPTPP vẫn là "hiệp định thương mại quan trọng nhất được ký kết trong 20 năm qua".
CPTPP cho phép xóa bỏ các hàng rào với dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư trong khu vực, không chỉ mang lại lợi ích cho các nước thành viên, mà còn tạo động lực mới cho sự hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại của khu vực. CPTPP là công cụ hiện hữu để các nước thành viên thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực, đồng thời tạo ra cho các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương những cơ hội lớn để tiếp tục dẫn dắt nhịp độ tăng trưởng kinh tế-thương mại toàn cầu. Hiệp định này không chỉ nhắm tới các vấn đề thương mại và thị trường, mà cả vấn đề pháp lý và thể chế, đòi hỏi cải cách, đổi mới trong quan điểm về thương mại, cũng như vấn đề pháp lý và hành chính, tạo động lực tích cực cho sự phát triển, cả về kinh tế và xã hội.
Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030. New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP nhờ CPTPP. Thủ tướng Australia Scott Morrison (Xcót Mô-ri-xơn) nhấn mạnh CPTPP "là một trong những thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất" trong lịch sử gần đây của nước này. Thỏa thuận này sẽ giúp các doanh nghiệp Australia tăng trưởng và mỗi năm đóng góp tới 15,6 tỷ đôla Australia (tương đương 11,1 tỷ USD) cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2030. Trong khi đó, Chính phủ New Zealand dự kiến CPTPP sẽ thúc đẩy nền kinh tế của quốc đảo này lên khoảng 1,2 tỷ đôla NZ (khoảng 881,40 triệu USD) đến 4 tỷ đôla NZ mỗi năm. Peru cũng được nhận định sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ CPTPP, trong khi tại Canada, ngành công nghiệp và các nhà sản xuất nông nghiệp được dự báo sẽ thắng lớn khi CPTPP được thực thi.
Những lợi ích mà CPTPP mang lại đã tạo hấp lực mạnh với các nền kinh tế khác trong khu vực. Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và mới đây nhất là Thái Lan đã cân nhắc khả năng gia nhập CPTPP. Ngoài ra, Anh cũng đã nhiều lần thể hiện ý muốn tham gia hiệp định sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Chính sự hấp dẫn đó cũng đang góp phần mở ra khả năng Mỹ quay trở lại CPTPP.
Không dừng lại ở đó, việc CPTPP có hiệu lực vào cuối năm nay trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang gây ra không ít biến động và nguy cơ với nền kinh tế toàn cầu, đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ thương mại. Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand David Parker (Đa-vít Pác-cơ) cho rằng CPTPP là một "điểm sáng" hiếm hoi của thương mại thế giới vốn đang trong tình trạng phức tạp hiện nay. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi (Tô-si-mít-xư Mô-tê-gi) đánh giá CPTPP là “câu trả lời” cho “bài toán” chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang leo thang trên thế giới. Giáo sư Tom Chodor (Tôm Trô-đo) của Đại học Monash (Australia) cho rằng CPTPP đã trở thành “bức tường thành” chống lại sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới và duy trì tinh thần thương mại tự do cho đến nền khi thương mại toàn cầu trở lại trạng thái bình thường.
Theo TTXVN