Theo báo cáo, trong 10 tháng năm 2018, huyện Bác Ái có 50 người XKLĐ, vượt kế hoạch 500%. Đồng chí Bùi Quốc Việt, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Để có được kết quả trên, ngoài việc tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách về XKLĐ, huyện còn phối hợp với đơn vị tuyển dụng đến từng xã, thôn giới thiệu, trình bày rõ về chính sách ưu đãi, chế độ, lương thưởng tại các thị trường lao động nước ngoài để người dân nắm rõ. Đồng thời, tạo mọi điều kiện, hướng dẫn người lao động làm hồ sơ, thủ tục xuất cảnh khi XKLĐ. Hiện nay, người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có mức lương ổn định từ 9-12 triệu đồng/tháng tại thị trường Ả-rập Xê-út và Malaysia.
Người dân huyện Bác Ái xây nhà khang trang nhờ XKLĐ. Ảnh N. Sơn.
Trước đây, gia đình chị Chamaléa Thị Hoa (thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại) thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, dù được hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất nhưng kinh tế gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, nhờ được địa phương và doanh nghiệp tư vấn về XKLĐ, chị động viên con gái là Chamaléa Thị Hân đăng ký XKLĐ ở Ả-rập Xê-út. Sau 1 năm làm việc tại nước ngoài, chị Hân đã gửi về cho gia đình gần 100 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Hay như gia đình anh Katơr Điệp (thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại) cũng có vợ là Chamaléa Thị Liên làm việc ở nước ngoài được gần 1 năm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó và chi tiêu hợp lý, nên chị đã gửi tiền về nhà 4 lần, tổng cộng 80 triệu đồng. Anh Katơr Điệp, cho biết: Nhờ vợ XKLĐ nên mới có số tiền lớn trả nợ ngân hàng, vừa đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh hoạt động XKLĐ ở huyện Bác Ái trong thời gian qua giúp người lao động có thu nhập cao, vừa nâng cao tay nghề để sau khi về nước họ có thể tham gia làm việc tại các doanh nghiệp, có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương, vươn lên làm giàu.
Đồng chí Bùi Quốc Việt, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động XKLĐ; trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ chính sách hỗ trợ người nghèo XKLĐ. Phối hợp với các cấp, ngành, doanh nghiệp tổ chức hội nghị tư vấn trực tiếp tại các xã, thôn cho người lao động; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với XKLĐ.
Tiến Mạnh