TOÀN DÂN NINH THUẬN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Nông nghiệp và kinh tế nông thôn qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII

Qua 3 năm (2016-2018) triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, chủ trương về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh ta tập trung triển khai thực hiện; công tác chống hạn quyết liệt, đồng bộ, hạn chế được thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Một số dự án nông nghiệp công nghệ cao được quan tâm thu hút đầu tư; các công trình, hạ tầng thủy lợi theo hướng liên thông được chú trọng. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp dự kiến đến cuối năm 2018 đạt khoảng 10.964 tỷ đồng, tăng bình quân 8,8%/năm, vượt mục tiêu đề ra.

Huyện Ninh Phước đầu tư kiên cố hóa kênh mương bảo đảm
nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: S.N

Phát triển trồng trọt và chăn nuôi

Trong quá trình thực hiện nghị quyết đại hội, điểm nhấn là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa, ban hành một số nghị quyết về nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đơn cử như Nghị quyết về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Thực hiện các nghị quyết trên, tỉnh ta tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; triển khai, nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, mô hình tưới tiết kiệm nước, liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng diện tích trên 3.100 ha; thực hiện cánh đồng lớn 1.270 ha, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa 7.236 ha; tưới nước tiết kiệm sản xuất rau an toàn với diện tích 348 ha và nhân rộng các mô hình: trồng táo, nho kết hợp nuôi dê, cừu vỗ béo; áp dụng VietGAP trên cây nho, táo. Chất lượng, năng suất và sản lượng cây trồng được nâng lên; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, góp phần nâng giá trị sản xuất/ ha đất canh tác đạt 122,5 triệu đồng/ha, tăng 27,8 triệu đồng/ha so năm 2015.

Chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển các đồng cỏ được tỉnh ta quan tâm thực hiện, tổng diện tích cỏ trồng hiện đạt 1.289 ha, năng suất khoảng 400 – 500 tấn/ha/năm; cơ bản đáp ứng nhu cầu thức ăn cho gia súc. Đến nay, toàn tỉnh có 52 trang trại chăn nuôi tập trung, tăng 13 trang trại so với đầu nhiệm kỳ; quy mô đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tỷ lệ đàn dê, cừu được lai tạo giống mới đạt 90%; một số mô hình nuôi vỗ béo thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc.

Chuyển biến trong kinh tế nông thôn

Về kinh tế nông thôn, bước đầu hình thành nhiều mô hình có hiệu quả, đã xây dựng mới 5 chuỗi giá trị (chuỗi liên kết giá trị trên cây lúa, măng tây xanh, mía, khoai mì, bắp giống), nâng tổng số lên 13 chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn năm 2017 đạt 28,03 triệu đồng/người, tăng 7,63 triệu đồng/người so với năm 2015. UBND tỉnh kịp thời ban hành, cụ thể hóa các văn bản, quy định triển khai thực hiện chương trình NTM như: Bộ tiêu chí xã NTM và xã NTM nâng cao; điều chỉnh bộ thiết kế mẫu; danh mục các loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù; quy định về quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng. Qua huy động trên 1.138 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 136,7 tỷ đồng, địa phương 188,7 tỷ đồng, còn lại là lồng ghép các chương trình và huy động trong nhân dân) đầu tư xây dựng hạ tầng, toàn tỉnh đã hoàn thành 52 km đường giao thông nông thôn, 1.898 km kênh nội đồng, 1 trạm biến áp và 1,25 km đường dây hạ áp, xây dựng mới 132 m2 phòng học, 8 nhà văn hóa thôn. Ước đến cuối năm nay, cả tỉnh đạt bình quân 13,21 tiêu chí/xã và có 19 xã đạt chuẩn NTM.

Trồng cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Phước Bình. Ảnh: P.Hiếu

Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của Tỉnh ủy, chuyển dịch nội bộ ngành nông nghiệp giữa trồng trọt và chăn nuôi còn chậm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa bền vững; thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn; việc xây dựng NTM có dấu hiệu chững lại; kinh tế tập thể, hợp tác xã có phát triển nhưng còn hạn chế. Trong 2 năm còn lại (2019-2020), tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 về nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt 6-7%/năm.

Theo đó, tỉnh ta tập trung chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi, từng bước trở thành ngành sản xuất chính; chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng, nâng cao tính ổn định với giá trị sản xuất đạt trên 125 triệu đồng/ha; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; ưu tiên phát triển một số cây trồng chủ lực như: Nho (2.000 ha), táo (1.200 ha); mía (5.000 ha), khoai mì (3.000 ha). Tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, đấu nối liên thông hồ chứa nước Tân Giang và hồ chứa nước Sông Biêu, tăng tỷ lệ chủ động nước tưới. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn. Về xây dựng NTM, tập trung đầu tư cho các xã có khả năng đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới trong 2 năm tới và các xã còn đạt thấp; phấn đấu tăng thêm 5 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM, đến năm 2020 có 50% số xã (tương đương 24 xã) và từ 1-2 huyện đạt tiêu chí xây dựng NTM.