Lợi Hải là xã trung tâm của huyện có 6 thôn, với 2.917 hộ/12.647 nhân khẩu; đồng bào dân tộc Raglai chiếm 82,06% dân số; trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Qua 7 năm xây dựng NTM, kinh tế - xã hội địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng. Gần 100% đường liên xã, liên thôn, nội thôn, kênh mương nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, cũng như sản xuất của người dân. Đời sống nhân dân được nâng cao, đến nay tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,3%; gần 100% học sinh đến trường đúng độ tuổi; đường làng ngõ xóm vệ sinh sạch đẹp, mỗi hộ tích cực trồng cây xanh quanh nhà để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Anh Võ Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, xã đã đạt được 11/19 tiêu chí, trong số 8 tiêu chí (trường học (5), bưu điện (8), chợ nông thôn (7), thu nhập (10), hộ nghèo (11), y tế (15), môi trường (17), an ninh trật tự (19)) chưa đạt thì hộ nghèo và thu nhập là hai tiêu chí khó khăn đối với xã. Do chủ yếu nguồn thu nhập chính của người dân là sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa, bắp, hoa màu các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm..., tỷ lệ lao động là công nhân ít, nên thu nhập người dân còn thấp, bình quân khoảng 18,5 triệu đồng/người/năm.
Nông dân xã Lợi Hải chăm sóc cây đậu xanh.
Để từng bước khắc phục những khó khăn này, những năm qua, nhằm tăng thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, xã đã phát huy lợi thế các công trình thủy lợi, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, địa phương đã thực hiện chuyển đổi lâu dài 3,5 ha (2 ha măng tây xanh, 1,5 ha cỏ chăn nuôi), chuyển đổi luân canh 190,3 ha (34,5 ha cây bắp, 122,8 ha đậu xanh, 2 cây dưa)... đồng thời áp dụng các mô hình sản xuất như: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, với diện tích 330 ha; tưới nước tiết kiệm trên cây hoa màu, với diện tích 2,7ha… Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương đã đạt được kết quả khả quan, sản lượng lương thực tăng, giá thành cao… giúp người dân tăng thêm thu nhập. Điển hình như chị Katơr Thị Mến, trước đây, nhà canh tác 5 sào lúa, năng suất 4-4,5 tạ/sào, trừ chi phí còn lãi 500.000-1.000.000 đồng/sào/vụ. Năm 2017 được xã vận động chị chuyển sang trồng đậu xanh, giá đậu xanh từ 20.000-25.000 đồng/kg, giá bán cao hơn nên chị có lãi gấp 1,5 đến 2 lần so với trồng lúa.
Bên cạnh đó, để nâng giá trị kinh tế sản phẩm, xã xây dựng các chuỗi giá trị và tạo liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân. Ngoài ra còn có các sản phẩm tiêu biểu của địa phương được hỗ trợ xây dựng thương hiệu là heo đen, gà ta. Đây là động lực giúp địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững trong thời gian đến. Song song đó, xã luôn thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng; nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn làm ăn, phát huy hiệu quả như: Chương trình hỗ trợ dê sinh sản, bò vỗ béo... Nhờ đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã, bình quân hằng năm giảm 5%, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn 29,52%.
Mới đây, Công ty TNHH Bảo Vật Ninh Thuận đóng trên địa bàn xã đã tuyển dụng 300 lao động địa phương, góp phần giải quyết việc làm lao động nông thôn, tăng thu nhập, tác động đến chuẩn của 2 tiêu chí: hộ nghèo và thu nhập. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi thêm một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ xây dựng cánh đồng măng tây xanh lớn với quy mô 15 ha, cánh đồng lúa lớn với diện tích 60 ha; lồng ghép các chương trình giảm nghèo hỗ trợ người dân vay vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Với những biện pháp được triển khai quyết liệt, đến cuối năm 2018 xã sẽ đạt thêm 6 tiêu chí và tin rằng với quyết tâm cao, chính quyền và nhân dân xã Lợi Hải sẽ hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM vào năm 2019.
Minh Khai