Thành quả sau nhiều năm nỗ lực
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Sơn lần thứ XI đã xác định, trong nhiệm kỳ 2015-2020 tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Ninh Sơn đã xây dựng chương trình hành động cụ thể từng năm để chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đoàn thể bám sát thực hiện. Mặt khác, huyện còn ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, trọng tâm là tập trung lãnh đạo nhân dân phát huy có hiệu quả các thế mạnh của địa phương để sản xuất các loại cây trồng theo hướng ứng dụng khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất, phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng cao như: Mô hình trồng hoa lan, phát triển vùng cây ăn quả đặc sản xã Lâm Sơn gắn với phát triển du lịch sinh thái, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mía, mì... Nhờ đó, góp phần đưa tổng diện tích gieo trồng mỗi năm của huyện đạt trên 24.600 ha, tăng 2,4%/năm; tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 77.651 tấn, tăng 1,2%/năm.
Nhờ được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đến nay diện mạo đô thị Tân Sơn (Ninh Sơn) ngày một khang trang.
Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, huyện Ninh Sơn còn linh hoạt trong việc vận dụng cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế như năng lượng tái tạo. Tranh thủ nguồn lực của tỉnh xây dựng Cụm công nghiệp Quảng Sơn, đến nay cụm công nghiệp này đã có một số nhà máy như: Gạch tuy nen Quảng Thuận, Nhà máy sản xuất khăn bông Quảng Phú... đã đi vào hoạt động, ngoài việc góp phần đưa kinh tế huyện Ninh Sơn phát triển, còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Chương trình phát triển đô thị được quan tâm thực hiện, trong giai đoạn 2016 – 2018 huyện Ninh Sơn đầu tư xây mới 109 công trình trên các lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dục..., nâng tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện trong giai đoạn này lên 5.939 tỷ đồng.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Huyện ủy và UBND huyện, đến nay hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt. Cụ thể, về kinh tế tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm đạt 11,2%; cơ cấu giữa các ngành đến năm 2018: Nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 47%, công nghiệp - xây dựng chiếm 34,8%, thương mại – dịch vụ chiếm 18,2%. Thu ngân sách năm 2016 đạt 43,9 tỷ đồng; năm 2017 đạt 47,1 tỷ đồng và năm 2018 ước đạt 50,3 tỷ đồng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến; đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đổi mới phong cách, lề lối làm việc; trình độ, năng lực được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Qua nửa nhiệm kỳ, toàn huyện đã kết nạp được 246 đảng viên mới, đạt 70,2% kế hoạch. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có bước chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện có hiệu quả; ước năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 16,26% (bình quân mỗi năm giảm 2%).
Đổi mới, tạo động lực phát triển
Với tinh thần đổi mới để phát triển, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, huyện Ninh Sơn xác định tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở để vận động nhân dân tập trung mọi nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ổn định từ 11-12%. Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản bình quân tăng từ 6-7%/năm; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng tăng từ 17-18%; thương mại-dịch vụ tăng 10-11%; thu ngân sách đạt khoảng 70 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4-5%... Để đạt được mục tiêu đề ra, theo đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn, chủ trương của huyện là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ trên cơ sở xây dựng các mô hình kinh tế có ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến liên kết theo chuỗi giá trị giữa cung ứng vật tư đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi, gắn với thu mua, sơ chế, tiêu thụ các loại nông sản mang thế mạnh của địa phương.
Đối với lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, huyện tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời); phát triển cụm công nghiệp Quảng Sơn và quan tâm đến một số dự án như phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái ở Lâm Sơn... Mặt khác, huyện còn đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển thị trấn Tân Sơn lên đô thị loại IV; chỉ đạo các địa phương tận dụng lợi thế của tuyến Quốc lộ 27 quy hoạch không gian hợp lý để phát triển cả ba lĩnh vực: công nghiệp – du lịch – nông nghiệp nông thôn một cách hiệu quả nhất. Có chính sách hỗ trợ vay vốn, cải cách hành chính, giúp các hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư phát triển thêm các ngành nghề mới, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các tiềm năng, lợi thế từng vùng để phát triển thương mại – dịch vụ, gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với các giải pháp kể trên, huyện tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo đồng bộ, có hiệu quả các mặt công tác: xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị; thực hiện tốt công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Thực hiện công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, gắn với Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là đối với chi bộ thôn, khu phố; phấn đấu bí thư kiêm trưởng thôn đạt 50% trong toàn huyện. Tăng cường công tác phát triển đảng viên đảm bảo chất lượng, cơ cấu, chỉ tiêu được giao. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên. Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng trong tình hình hiện nay, nhất là trong công tác vận động, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai các dự án trên địa bàn; tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội. Nêu cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng đến xây dựng Ninh Sơn trở thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh.
Văn Thanh