Cuộc gặp có chủ đề: “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu”. Nội dung bao trùm của cuộc gặp lãnh đạo ASEAN diễn ra trong hai ngày 11 và 12-10 là kết nối việc triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 về một cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự phồn vinh với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030. Bản thân nội dung này cũng khẳng định vai trò của ASEAN như một tổ chức khu vực đi đầu và là trung tâm thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Thông qua việc đánh giá tác động của những thách thức từ tình hình biến động trên thế giới đối với nền kinh tế các nước ASEAN, vốn đang ảnh hưởng tới lộ trình triển khai Tầm nhìn ASEAN, các nước khu vực có thể tìm ra hướng tăng cường hợp tác hiệu quả và thực chất với Liên hợp quốc, IMF, WB trong nỗ lực giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập khu vực.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh thời gian qua, kinh tế thế giới liên tục đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại leo thang. Đặc biệt, cuộc chiến thương mại chưa có điểm dừng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trước những diễn biến phức tạp này, lần đầu tiên kể từ tháng 7-2016, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019 từ 3,9% xuống còn 3,7%.
Việc Trung Quốc tuyên bố áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ để trả đũa việc Mỹ áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, có hiệu lực ngày 24-9 vừa qua, không chỉ gây tổn hại cho chính hai nền kinh tế này, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế khác, trong đó có khu vực ASEAN. Tại Đông Nam Á, các nền kinh tế vẫn phụ thuộc đáng kể vào hoạt động xuất khẩu và ngoại thương. Nhiều nước, như Malaysia, Indonesia..., là nơi đặt các xưởng sản xuất những sản phẩm như ô tô, thiết bị điện tử, hay sản phẩm gỗ để bán cho Trung Quốc, từ đó xuất khẩu sang Mỹ. Tác động trước hết, là làm suy giảm kinh tế ngắn hạn, thách thức sự tăng trưởng bền vững của ASEAN, từ đó cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, cuộc gặp lãnh đạo ASEAN tại Bali lần này trở thành một diễn đàn hữu hiệu thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan tới thúc đẩy hợp lực, tăng cường ổn định tài chính và thúc đẩy phát triển, cũng như hội nhập kinh tế khu vực và khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác để hoàn thành các mục tiêu phát triển, qua đó khẳng định vai trò trung tâm ngày càng lớn của ASEAN trong việc kết nối khu vực và toàn cầu, góp phần hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Thời gian qua, ASEAN vẫn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhờ sự tăng trưởng ổn định, hiện là khu vực kinh tế lớn thứ ba châu Á và thứ năm thế giới. Năm ngoái, tăng trưởng GDP toàn khối ở mức 5,2% và con số này được dự báo sẽ duy trì trong năm nay và năm 2019. Ngoài ra, việc các nền kinh tế thành viên phối hợp ăn ý, thúc đẩy giao thương nội khối với tư cách là một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thống nhất đã khiến cho dòng chảy thương mại trơn tru và giúp giảm thiểu ảnh hưởng của cuộc chiến thuế quan. Bản thân ASEAN hiện cũng đang giữ vai trò kết nối trong khu vực nhờ thành công trong quan hệ với nhiều đối tác bên ngoài, nhất là các nền kinh tế lớn, góp phần xây dựng và định hình cấu trúc khu vực qua các tiến trình, cơ chế và diễn đàn do khối này khởi xướng.
ASEAN cũng thể hiện là tổ chức khu vực đi đầu trong các xu thế phát triển của thế giới. Một minh chứng rõ ràng nhất là ngay trước thềm Hội nghị thường niên IMF-WB tại Bali lần này với chủ đề “Tranh thủ sự đột phá của công nghệ để định hình các nền kinh tế bao trùm của tương lai”, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã được tổ chức thành công tại Hà Nội hồi trung tuần tháng 9 vừa qua. Các quốc gia ASEAN đang đặt ưu tiên cho việc tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, đồng thời khắc phục những vấn đề nảy sinh. Mục tiêu này cũng được gắn kết và bổ sung cho chủ đề chung của ASEAN 2018, là hướng tới Cộng đồng ASEAN “tự cường và sáng tạo”.
Singapore đưa ra sáng kiến quốc gia thông minh, triển khai ứng dụng di động, cơ sở dữ liệu đồng bộ và giám sát thông minh để cải thiện chất lượng dịch vụ công. Chính phủ Indonesia bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển Indonesia 4.0 (Making Indonesia 4.0) nhằm đưa quốc đảo này trở thành 1 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030. Thái Lan đã thiết lập tầm nhìn “Thái Lan 4.0" tập trung nhiều vào một nền công nghiệp sử dụng tri thức và công nghệ để tạo sự đột phá... Theo dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD năm 2025, tương đương 6% tổng GDP khu vực. Đây là nền tảng thuận lợi, là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư, phát triển các mô hình kinh doanh mới ở Đông Nam Á. Thông qua việc tạo được môi trường thuận lợi để, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới để tự đổi mới, sáng tạo, ASEAN đang dần hướng mục tiêu cơ hội phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn, có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ từ thế giới vào năm 2030, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Các nước ASEAN đã xác định việc thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới, như những mục tiêu được Liên hợp quốc nêu bật trong chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030. Thông qua việc gắn lộ trình và tương lai phát triển của ASEAN với tương lai phát triển quốc tế, ASEAN đang mở rộng cánh cửa hợp tác với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, đồng thời thể hiện ngày càng nổi bật trách nhiệm chung và vai trò mang tính toàn cầu của mình.
Theo TTXVN