Chuyên gia Sri Jegarajah (Xri Giê-ga-ra-giát) cho biết Việt Nam đạt tăng trưởng 6,9% trong quý III-2018 “bất chấp sự căng thẳng ở các thị trường mới nổi giữa lúc các đối thủ trong khu vực vẫn đang gặp khó khăn trước những rủi ro chiến tranh thương mại và đồng USD ngày càng mạnh hơn”.
Theo ông Jegarajah, kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc, cũng như các liên kết kinh tế và chính trị mạnh mẽ mang tính lịch sử với Bắc Kinh đang mang lại nhiều lợi ích. Dưới áp lực của các mức thuế quan của Mỹ, các nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt đầu chuyển dịch hoạt động sản xuất của họ sang những địa điểm có chi phí rẻ hơn như Việt Nam. Tiền lương trong khu vực sản xuất chế tạo ở Việt Nam thấp hơn 40% so với ở Trung Quốc. Điều này đang củng cố một xu hướng đã giúp Việt Nam phát triển ngành sản xuất chế tạo của mình trong những năm qua: nhiều công ty nước ngoài đổ đến Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế của sản xuất giá rẻ.
Sự bùng nổ nói trên được bắt đầu khi Chính phủ Việt Nam tiến hành các cải cách thị trường vào năm 1986, theo đó đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Ban đầu, Việt Nam được coi như là một “phiên bản giá rẻ” của Trung Quốc với lực lượng nhân công được đào tạo tốt, vì vậy trở nên khá phù hợp để trở thành một cơ sở sản xuất chế tạo. Nhưng khi các khoản đầu tư nước ngoài tăng vọt và trình độ chuyên môn được tăng cường rộng rãi, ngành công nghiệp của Việt Nam đã tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia phân tích Eoin Treacy (Ê-on Tri-xi), thuộc công ty dịch vụ về chiến lược đầu tư toàn cầu Fuller Treacy Money, cho biết: “Việt Nam được hưởng lợi nhờ có một chính quyền ủng hộ thương mại và cũng như mong muốn đạt tiến bộ, từ một thị trường tiên phong trở thành một điểm đến đầu tư thông thường có sức hấp dẫn hơn”. Hệ thống quy định đối với sở hữu nước ngoài ở Việt Nam đã dần dần được tự do hóa.
Bên cạnh đó, với dân số lên tới hơn 90 triệu và có nhiều người trẻ (70% là trong độ tuổi từ 15-64), Việt Nam sẽ có một lực lượng lao động lớn, cũng như thị trường tiêu dùng khổng lồ trong những năm tới. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự kiến tăng từ 12 triệu người trong năm 2012 lên tới 33 triệu người vào năm 2020. Nhờ lực lượng tiêu dùng gia tăng, doanh số bán lẻ của Việt Nam đã tăng trưởng 10,9%, lên mức kỷ lục 130 tỷ USD năm 2017. Trong bối cảnh đó, không có gì lạ khi Việt Nam thu hút được lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một mức kỷ lục 17,5 tỷ USD trong năm 2017.
Do đó, không hề bất ngờ khi các công ty lớn nhất ở Việt Nam thường được định giá cao. Trên mạng Breakingviews, nhà báo Clara Ferreira Marques (Cla-ra Phe-rây-ra Mác-cơ) cho biết công ty sữa Vinamilk được giao dịch với hệ số giá trên thu nhập P/E cao gấp 23 lần, trong khi con số này của công ty Danone (Pháp) chỉ là 17 lần. Và nếu Morgan Stanley Capital International (MSCI) nâng Việt Nam lên địa vị thị trường mới nổi, điều này có thể kích thích một dòng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD đổ vào Việt Nam.
HL (tổng hợp)