Nghị quyết của Liên hợp quốc về người cao tuổi năm 1991 quy định những nguyên tắc về đạo lý đối với người cao tuổi được khái quát thành 5 quyền cơ bản của người cao tuổi, đó là: Quyền được sống độc lập không bị phụ thuộc, quyền được tham gia mọi công việc trong xã hội và cộng đồng; quyền được chăm sóc vật chất và tinh thần; quyền được phát huy, phát triển cá nhân và quyền được tôn trọng nhân phẩm. Những quyền nêu trên thể hiện quan điểm của nhân loại trên toàn cầu về vai trò người cao tuổi, sự quan tâm sâu sắc về vấn đề “già hóa dân số” và sự thống nhất hành động vì quyền lợi của người cao tuổi trong sự tiến bộ chung của xã hội trong thời kỳ mới.
Tích cực hưởng ứng nghị quyết của Liên hợp quốc về người cao tuổi, từ năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 59/CT-TW về “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”, sau đó Chính phủ cho phép thành lập Hội người cao tuổi (15-10-1995), Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về người cao tuổi (năm 2000), Chính phủ ban hành “Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2005- 2010 (năm 2005), đặc biệt là Luật Người cao tuổi được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2009.
Nếu nghị quyết của Liên hợp quốc về người cao tuổi quy định người cao tuổi trên toàn thế giới có 5 quyền cơ bản thì Luật Người cao tuổi Việt Nam quy định người cao tuổi có 8 quyền cơ bản trên cơ sở mở rộng và làm sâu sắc thêm những quyền của người cao tuổi do Liên hợp quốc quy định như: quyền được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; quyền được sống chung với con cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; quyền được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; quyền được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi…
Thực hiện Luật Người cao tuổi, cũng đồng thời là hưởng ứng Nghị quyết của Liên hợp quốc về người cao tuổi năm 1991, ngày 22-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1781/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012- 2020”. Đây là văn bản pháp quy rất quan trọng, là sự cam kết và quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thể hiện trong Luật Người cao tuổi; đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi. Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam trên đây với mục tiêu tổng quát là phát huy vai trò người cao tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi là những cơ sở pháp lý quan trọng để người cao tuổi có quyền được thụ hưởng những quyền và lợi ích chính đáng mà Đảng và Nhà nước đã quan tâm và trân trọng. Mặt khác, đây cũng chính là nguồn động viên để người cao tuổi tự tin phát huy vai trò và nêu cao gương sáng trong xã hội, thực hiện 18 chữ vàng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tin tưởng trao tặng cho các thế hệ người cao tuổi Việt Nam năm 2001: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nguyễn Ngọc Minh - Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh