Diễn ra từ ngày 12-14/9, Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu một lần nữa là lời thúc giục về tính cấp bách của mối đe dọa biến đổi khí hậu. Tại hội nghị, các nhà khoa học cảnh báo Trái Đất đang tiếp tục nóng lên với tốc độ nhanh hơn: nhiều trận bão lớn đang hoành hành tại bờ biển miền Đông nước Mỹ và Philippines, cháy rừng đang tàn phá bang California (Ca-li-phóc-ni-a) là những bằng chứng không thể chối cãi của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó, một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết sự nóng lên toàn cầu có thể sẽ vượt quá giới hạn đầy tham vọng là 1,5 độ C đặt ra trong Hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học tính toán rằng cần giảm khí thải toàn cầu trước năm 2020 để tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất của việc Trái Đất nóng lên, như những đợt nóng chết người, hạn hán và nước biển dâng.
Trong cam kết “Zero” được đưa tại hội nghi, lãnh đạo hàng chục thành phố, các khu vực và doanh nghiệp trên thế giới đã cam kết nói “Không” với năng lượng hóa thạch, ôtô thải khí, rác thải, khí thải CO2... nhằm bảo vệ môi trường. Không chỉ là những hứa hẹn suông, sự kiện do Thống đốc bang California Jerry Brown (Giê-ri Bra-un) và cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg (Mai-cơn Blum-bớc) đồng chủ trì đã đưa ra hàng loạt các sáng kiến lớn nhỏ nhằm giảm tác động của CO2 đối với con người. Lãnh đạo hàng chục bang, vùng và thành phố lớn đã cam kết trong vài thập kỷ tới sẽ chỉ cho phép loại xe không thải khí tham gia giao thông. Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Rotterdam (Hà Lan), cùng với Paris (Pháp), London (Anh), Barcelona (Tây Ban Nha) và Mexico City (Mexico) đã cam kết chỉ sử dụng xe buýt điện vào năm 2025.
Tập đoàn điện tử và giải trí Sony của Nhật Bản đưa ra sáng kiến “Con đường tới Không”, gồm các chiến dịch toàn cầu với năng lượng tái tạo. Sony đã hòa cùng một nhịp với hơn 140 tập đoàn đa quốc gia khác, đưa ra các cam kết tương tự vào năm 2030. Bên cạnh đó, là hơn 20 thành phố, nơi cư trú của 54 triệu người.
Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra vào năm nay đánh dấu “quãng giữa” của “chặng đường” từ khi thỏa thuận Paris có hiệu lực vào năm 2016 cho tới thời điểm thỏa thuận này sẽ chính thức thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020. Mục tiêu của hội nghị, do đó, là mong muốn tạo cơ hội để các bên cùng nhìn lại và đánh giá hiệu quả của những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, để từ đó đưa ra những cam kết quyết liệt hơn, mở ra một kỷ nguyên giảm khí thải carbon, thịnh vượng bền vững. Hội nghị tại San Francisco kỳ vọng “điểm nối” này có thể tạo “cú hích” để các chính phủ đẩy nhanh hơn những quy trình thủ tục trong nước, đồng thời thôi thúc các quốc gia, khu vực, thành phố, doanh nghiệp và nhà đầu tư có những bước đi quyết tâm và đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn nữa trong việc cắt giảm khí thải nhà kính.
Thật sự đã có những thông tin tích cực được đưa ra tại hội nghị. 27 thành phố lớn, từ New York đến London, thông báo đã thành công chặn lại đà tăng của lượng phát thải khí nhà kính gây ấm lên toàn cầu. Đáng chú ý là thành tựu này đạt được mà không ảnh hưởng tới mức tăng dân số và tăng trưởng nền kinh tế tại các đô thị trên, một kết quả nhờ vào việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng và giảm rác thải. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo (An I-đan-gô) nhấn mạnh đây là minh chứng minh cho thấy hoàn toàn có thể tạo việc làm và cơ hội trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn là một thử thách. Tháng 3 vừa qua, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố một báo cáo gây lo ngại khi thống kê cho biết năm 2017, lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng 1,4%, chạm mốc kỷ lục 32,5 gigaton. Điều đáng lưu ý là lượng phát thải CO2 trong năm 2017 tăng trở lại sau 3 năm liên tiếp chững lại và vào thời điểm chỉ một năm sau khi thỏa thuận Paris có hiệu lực. Theo IEA, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lượng khí thải tăng là do kinh tế toàn cầu năm 2017 tăng trưởng 3,7%. Với 81% năng lượng của thế giới được đáp ứng bởi nhiên liệu hóa thạch, bất kỳ sự gia tăng hoạt động kinh tế nào cũng kéo theo lượng khí thải. Những con số trên được công bố kèm theo một hồi chuông cảnh báo, rằng: “Những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu hiện nay vẫn chưa đủ để đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận Paris”.
Bên cạnh đó còn là những lo ngại xung quanh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết giữ nước Mỹ đứng ngoài thỏa thuận Paris vì cho rằng hiệp định trên không có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Thiếu Mỹ, nước có lượng khí thải carbon lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đồng nghĩa với việc 17,89% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới không được giảm thiểu, tác động lớn đến kế hoạch khống chế mức tăng nhiệt của bầu khí quyển dưới 2%. Ngoài ra, việc Mỹ rời khỏi “cuộc chơi” còn có nguy cơ làm lung lay lập trường của những nước còn có thái độ đắn đo trước thỏa thuận Paris, đặt văn bản này đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Tuy nhiên, những lo lắng này phần nào đã được trấn an tại hội nghị ở San Francisco, khi các thị trưởng, thống đốc bang và các chủ doanh nghiệp Mỹ cho thấy lập trường của Washington không có nhiều ảnh hưởng tới quyết tâm cung cấp năng lượng rẻ, làm sạch không khí và đầu tư vào các cơ hội kinh doanh mới tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhân dịp này, Thống đốc Jerry Brown đã ký ban hành một đạo luật mang tính bước ngoặt, trong đó cam kết bang California sẽ có mạng lưới điện sạch 100% vào năm 2045. Quyết tâm này như lời khẳng định của Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti (Ê-rích Gác-xê-ti): “Biến đổi khí hậu là có thực và chúng ta sẽ phải hành động ngay cả khi Washington không làm như thế”.
Với quyết tâm tạo “cú hích” mới cho những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại San Francisco là cơ hội để cộng đồng quốc tế chung tay đưa năm 2018 trở thành khởi đầu cho một giai đoạn mới của hành động và tham vọng mạnh mẽ hướng tới bảo vệ “mái nhà Xanh” của Trái Đất.
Theo TTXVN