Chủ tịch Quốc hội dự Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, bên cạnh hợp tác giữa các Chính phủ, các lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar nói riêng sẽ tham gia tích cực trong hợp tác tiểu vùng, đem đến luồng sinh khí mới và nhân lên sức mạnh của Tiểu vùng sông MeKong mở rộng.

Tối 25/8, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ 3, năm 2018 do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Các đại biểu dự chương trình giao lưu "Biên cương thắm tình hữu nghị". Ảnh VGP/ Hoàng Anh

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dòng sông MeKong huyền thoại là mạch nguồn gắn bó 6 quốc gia trải dài theo lưu vực sông qua bao thế hệ. Việt Nam tự hào về một khu vực trù phú, giàu tiềm năng, đa văn hóa đang vươn mình phát triển ổn định và thịnh vượng để trở thành điểm kết nối giữa các nền kinh tế lớn của châu Á, cũng như trên toàn thế giới.

Để có được điều đó, cần có sự nỗ lực của tất các quốc gia trong quá trình hội nhập chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức chung, trong đó, vấn đề biên giới, lãnh thổ, các mối đe dọa về an ninh phi truyền thống, cùng các thách thức khác đang rất cần sự chung tay hợp tác giữa các nước thành viên nói chung và lực lượng bảo vệ biên giới nói riêng.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại chương trình giao lưu. Ảnh VGP/Hoàng Anh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sáng kiến của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quốc phòng và hợp tác biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, cũng như các nước trong khu vực. Nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, góp phần khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam phấn đấu là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nói chung và các nước Tiểu vùng sông MeKong mở rộng nói riêng.

Sau hơn 25 hoạt động, hợp tác tiểu vùng sông MeKong mở rộng (GMS) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các nước thành viên, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cùng với thành công chung của Tiểu vùng sông MeKong mở rộng, Việt Nam đang tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế cao, kiểm soát lạm phát, kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài không ngừng tăng cao.

Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy thực hiện các sáng kiến chung của Tiểu vùng sông MeKong mở rộng, như: Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới nhằm khai thác hợp lý và khoa học tài nguyên đất nước, nâng cao trình độ nhân lực để đáp ứng được sự chuyển động nhanh chóng của kinh tế khu vực và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, bên cạnh hợp tác giữa các Chính phủ, các lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar nói riêng sẽ tham gia tích cực trong hợp tác tiểu vùng, đem đến luồng sinh khí mới và nhân lên sức mạnh của Tiểu vùng sông MeKong mở rộng.

Nhấn mạnh 6 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar có chung dòng sông MeKong, có chung khát vọng về hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn: “Lực lượng bảo vệ biên giới các nước trong tiểu vùng sẽ ngày một gắn bó bền chặt hơn, hợp tác hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực, cùng nhau thực hiện tốt các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh khu vực, như: Phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, cứu trợ thiên tai, thảm họa, quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước dòng MeKong, cùng nhau xây dựng đường biên giới chung giữa các nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp gắn với dòng sông, bảo tồn sợi dây kết nối bền chặt của tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân các nước nói chung và nhân dân biên giới, lực lượng bảo vệ biên giới nói riêng”.

Ảnh VGP/Hoàng Anh

Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ 3 là một trong những sự kiện trọng tâm trong các hoạt động kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2019).

Chương trình lần này có số lượng đoàn đại biểu khách nước ngoài đến tham dự đông nhất trong các lần giao lưu từ trước tới nay với các đoàn đến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ An ninh các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; đặc biệt, đây là lần đầu tiên có sự tham dự của 4 đoàn đến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ Vương quốc Thái Lan và Liên bang Cộng hòa Myanmar.

Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” là hoạt động nhằm tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; là dịp để các lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu của các nước chia sẻ kinh nghiệm về những chương trình công tác đang triển khai; qua đó tạo tiền đề xây dựng, bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp, ngày càng gắn bó chặt chẽ, vì hòa bình, ổn định của khu vực biên giới.

Điểm nhấn của chương trình là phần giao lưu với các khách mời là đại diện lãnh đạo lực lượng bảo vệ biên giới 6 nước, với những câu chuyện ý nghĩa về hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng giữa Việt Nam và các nước trong tiểu vùng; sự phối hợp hiệu quả trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng biên...

Nguồn www.chinhphu.vn