Kinh tế Ninh Phước chuyển dịch đúng hướng qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện

(NTO) Để tạo ra sự đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước lần thứ XI xác định mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Theo hướng đó, qua giữa nhiệm kỳ (3 năm) thực hiện, Ninh Phước có 10/24 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Thành quả đạt được đầu tiên có thể thấy rõ là nền kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp-thủy sản giảm từ 47,9% năm 2015 xuống còn 41,8% năm 2018, ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng tăng từ 20,26% lên 24,47% và thương mại - dịch vụ tăng từ 31,84% lên 33,73%. Giá trị sản xuất các ngành đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 9,96% và ước thu nhập bình quân đầu người cuối năm nay đạt 35,5 triệu đồng/năm (đạt 70,03% so với nghị quyết), tức gấp 1,47 lần năm 2015. Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước, cho biết: Ninh Phước đã tận dụng điều kiện vốn có, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng tăng về qui mô, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản trên thị trường. Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo Nghị quyết số 09/2016-NQ/TU của Tỉnh ủy; phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, giá trị kinh tế cao, và từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp. Bước đầu Ninh Phước còn hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Nông dân Ninh Phước trồng nho theo tiêu chuẩn Viet GAP cho thu nhập cao. Ảnh: Văn Miên

Trong sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu được quan tâm đầu tư phát triển. Đơn cử Ninh Phước đã hình thành các vùng chuyên canh lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Thái, Phước Thuận và thị trấn Phước Dân; vùng chuyên canh bắp thương phẩm, bắp giống tại các xã Phước Vinh và Phước Sơn; trồng rau an toàn theo hướng công nghệ cao tại các xã An Hải, Phước Hải; trồng nho, táo tại các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hậu, thị trấn Phước Dân; vùng sản xuất nông nghiệp (nho, măng tây xanh, sen) kết hợp du lịch sinh thái tại các xã Phước Thuận, An Hải và thị trấn Phước Dân…. Kinh tế tập thể từng bước được củng cố, kiện toàn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất lớn. Năm 2018, giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 1.305,23 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 64,87% ngành nông nghiệp huyện.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, Ninh Phước hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại chăn nuôi lớn theo quy trình khép kín ứng dụng công nghệ cao gắn với bao tiêu sản phẩm. Nổi bật là mô hình trang trại nuôi heo tập trung từ 600-2000 con/trại, liên kết với công ty CP; mô hình nuôi gà lấy trứng quy mô 120.000 con. Về thủy sản, hình thành các khu nuôi tôm thương phẩm và xây dựng xã An Hải thành trung tâm sản xuất tôm giống cấp quốc gia. Năm 2018, ước diện tích nuôi tôm thịt trên 179 ha, sản xuất tôm giống trên 12 tỷ con tôm post 15, sản lượng tôm thương phẩm 2.181 tấn, đạt 62,3%.

 

Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa. Ảnh: V.M

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng đô thị thị trấn Phước Dân, Ninh Phước tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đặc biệt là phong trào vận động nhân dân đóng góp, hiến đất xây dựng hạ tầng ở nông thôn. Đến nay, huyện đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM; 5/8 xã đạt chuẩn NTM; thị trấn Phước Dân đạt 36/59 tiêu chí đô thị với số điểm đạt 58/100 điểm; dự kiến cuối năm 2018 đạt 64/100 điểm. Đối với lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, Ninh Phước thu hút đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); chú trọng phát triển các loại hình tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ ở nông thôn, chế biến nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Luyện, tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra, trong những năm tới Ninh Phước tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 1,78 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,85 lần so với năm 2015; xây dựng huyện trở thành huyện NTM, thí điểm xây dựng 1-2 thôn NTM kiểu mẫu; xây dựng thị trấn Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV. Trước mắt, từ nay đến cuối năm Ninh Phước phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2018, bảo đảm đạt mức tăng trưởng kinh tế 11,19%, trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.