Đồng chí Lưu Nào, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Cùng với triển khai thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý và phòng, chống mua bán người, Ban Thường trực Ủy ban MTTQViệt Nam tỉnh đã phối hợp Trường Chính trị tỉnh tổ chức tập huấn công tác Mặt trận năm 2018 cho 110 cán bộ Mặt trận các cấp trong tỉnh, nội dung có lồng ghép tuyên truyền về các chương trình trên và xây dựng phong trào TDBVANTQ năm 2018. Thực hiện các nghị quyết liên tịch, liên ngành, MTTQ các cấp đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức 53 buổi sinh hoạt, họp dân ở cơ sở để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội cho hơn 12.000 lượt người dân. Qua công tác phối hợp vận động tham gia phong trào TDBVANTQ, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng CA và các ngành chức năng 81 nguồn tin có giá trị về tình hình ANTT, giúp cơ quan CA gọi răn đe, đưa 37 đối tượng vi phạm pháp luật ra kiểm điểm trước dân. Ngoài ra, MTTQ và các thành viên Mặt trận còn nhận cảm hóa, giáo dục 27 đối tượng tại cộng đồng và vận động toàn dân tham gia giúp đỡ những người được đặc xá tha tù về để sớm hòa nhập cộng đồng dân cư.
Theo đồng chí Đào Anh Thơ, Phó Giám đốc Công an (CA) tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh, chương trình phối hợp giữa CA-MTTQ và tổ chức thành viên các cấp đang đi đúng định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo. MTTQVN tỉnh đã tổ chức phát động xây dựng mô hình điểm “Xã đảm bảo an toàn về ANTT, an toàn giao thông gắn với xây dựng xã nông thôn mới” năm 2018 tại xã Thanh Hải (Ninh Hải) và xã An Hải (Ninh Phước), cấp phát 6.877 giấy đăng ký cho đại diện hộ gia đình ở khu dân cư ký cam kết tham gia thực hiện nội dung phát động. Đối với MTTQ các cấp, đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai xây dựng mới và nhân rộng những mô hình có hiệu quả. Đơn cử Mặt trận huyện Ninh Phước làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy mô hình điểm về tự quản ANTT “Xứ đạo bình yên” tại 3 giáo xứ xã Phước Vinh; mô hình Tộc họ tự quản về ANTT (có 65 tộc họ đồng bào người Chăm các xã Phước Thái, Phước Hữu, Phước Hậu và 3 tộc họ người Kinh xã Phước Thuận) và phối hợp CA huyện xây dựng mô hình điểm “Trường học an toàn về ANTT, an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy” tại Trường THCS Trương Định, thị trấn Phước Dân.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiệu quả công tác phối hợp thể hiện rõ ở các địa phương trong tỉnh từ miền núi đến đồng bằng, vùng ven biển. Điển hình tại huyện Bác Ái, Mặt trận huyện tiếp tục duy trì mô hình “Ánh sáng nông thôn mới” trong các thôn và nhân rộng 15 dòng họ tự quản nhằm đảm bảo ANTT. Mặt trận huyện Ninh Sơn và Thuận Bắc tiếp tục duy trì mô hình “Xã bảo đảm an toàn về ANTT và an toàn giao thông”; huyện Ninh Sơn duy trì vùng giáo bình yên xã Quảng Sơn và xây dựng mới mô hình “Xã bảo đảm an toàn về ANTT và an toàn giao thông” các xã Hòa Sơn, Nhơn Sơn, Lâm Sơn. Mặt trận huyện Ninh Hải tiếp tục duy trì mô hình xã vùng giáo “Bảo đảm an toàn về ANTT và an toàn giao thông”, mô hình tổ ANTT của dòng tộc tự quản ở thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải, đội Thanh niên xung kích ANTT các xã Nhơn Hải, Vĩnh Hải. Mặt trận Tp.Phan Rang- Tháp Chàm duy trì mô hình “Tiếng kẻng ANTT” ở phường Đông Hải, Phủ Hà... Nhờ đó mà tình hình ANTT đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người và vi phạm pháp luật ở cơ sở được đẩy mạnh hơn.
Nhìn chung, qua phối hợp với CA, có thể nói MTTQ, các tổ chức thành viên và chính quyền các xã, phường, thị trấn đã quan tâm xây dựng và duy trì các mô hình tự quản về ANTT ở địa phương hoạt động hiệu quả. Trong thời gian đến, để tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nghị quyết liên tịch, liên ngành về ANTT và xây dựng phong trào TDBVANTQ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc, lực lượng nòng cốt ở vùng trọng điểm, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo trong tỉnh; xây dựng, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là tích cực phối hợp tuyên truyền đẩy lùi và ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình.
* Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ninh Hải đã phối hợp với Công an huyện tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2018 tại xã Tân Hải và xã Vĩnh Hải. Qua đó, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và nhân dân về tình hình an ninh, trật tự; an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...ở địa phương; giới thiệu một số phương thức hoạt động của các loại tội phạm, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần xây dựng các khu vực dân cư đảm bảo an toàn.
* Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ninh Phước đã tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo đó, đoàn đã tiến hành khảo sát tại 34 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo, kiểm tra 50 hồ sơ và biên bản họp dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo; việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, có địa phương trên 20%.
Vân Tuyền-Diệu Minh