Nghị quyết số 09-NQ/TW tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển

(NTO) Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2020, đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển theo hướng bền vững, đồng bộ, có năng lực cạnh tranh cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, trước mắt tỉnh xác định ưu tiên đầu tư phát triển 3 nhóm ngành: Khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển, ven biển để tạo bứt phá và động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về chiến lược biển đến năm 2020, tình hình kinh tế-xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2007-2017 tăng bình quân 11,2%/năm, góp phần đưa GRDP chung của tỉnh bình quân tăng 8,2%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 33,1 triệu đồng, tăng gấp 4,8 lần so năm 2007; tỷ trọng đóng góp kinh tế biển vào GRDP tăng từ 18,7% năm 2007 lên 25% năm 2017.

Đạt kết quả trên là do tỉnh ta đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất vùng ven biển. Riêng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2007-2017 đầu tư trên 8.333 tỷ đồng, chiếm 47% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản và các nghị quyết, đề án về tổ chức lại nghề khai thác hải sản như Nghị định 67/2014/NĐ-CP; Nghị định 89/2015/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018, năng lực khai thác hải sản của tỉnh đã nâng lên thấy rõ. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 2.771 chiếc tàu/345.129 CV (bình quân 124,5 CV/tàu) tăng 2,1 lần so với năm 2007, trong đó có 38 tàu công suất trên 700 CV, một số tàu trên 1.000 CV. Mô hình hợp tác sản xuất trên biển tiếp tục phát huy được hiệu quả, đến nay toàn tỉnh có 162 Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, với 918 tàu cá tham gia. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản năm 2017 đạt trên 98.526 tấn, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2007.

Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: V.Nỷ

Về phát triển nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có trên 450 cơ sở doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đang hoạt động. Đặc biệt, thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước, trong giai đoạn 2007-2017 tỉnh đã bố trí 119.816 triệu đồng đầu tư hoàn thành các Trung tâm giống thủy sản cấp 1, Trại thực nghiệm giống thủy sản và các khu nuôi tôm tập trung An Hải, Sơn Hải. Nhờ đó, sản xuất tôm giống tăng từ 6,1 tỷ con lên 24,9 tỷ con, gấp 4 lần so với năm 2007, hằng năm cung ứng khoảng 30% sản lượng giống cho cả nước. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở chế biến hải sản tại các vùng ven biển như Cà Ná, Đông Hải, Khánh Hải, Mỹ Tân... ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ tính trong năm 2017, tổng sản lượng hải sản xuất khẩu đạt 5.850 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 32 triệu USD, chiếm 42,2% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tăng 11,3 lần so với năm 2007.

Xác định du lịch là một trong 6 nhóm trụ cột chính để phát triển kinh tế, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tập trung rà soát quy hoạch các khu du lịch trọng điểm ven biển, ban hành cơ chế thu hút phát triển du lịch biển, du lịch có đẳng cấp cao gắn với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch của tỉnh. Kết quả trong giai đoạn 2007-2017 đã có 50 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đăng ký 15.133 tỷ đồng; đến nay đã có 21 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, chiếm 42% số dự án đăng ký, trong đó có một số dự án quy mô lớn đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao như khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa (Amanơi), Sài Gòn- Ninh Chữ... Nhờ đó, lượng khách trong và ngoài tỉnh những năm gần đây tăng nhanh, từ 370 nghìn lượt khách năm 2007 tăng lên 1,9 triệu lượt khách vào năm 2017; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng từ 184 tỷ đồng năm 2007 lên 883 tỷ đồng năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm.

Thu mua hải sản tại Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).Ảnh: Ngọc Diệp

Để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, những năm gần đây tỉnh ta còn đầu tư nâng cấp, mở rộng 3 cảng cá: Đông Hải, Ninh Chữ, Cà Ná và 1 bến cá Mỹ Tân, với quy mô neo đậu 3.200 tàu cá các loại. Đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm có lợi thế như: chế biến muối, thủy sản... Trong giai đoạn 2007-2017, đã có 44 dự án công nghiệp ven biển được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận địa điểm với tổng vốn đăng ký trên 23.661 tỷ đồng, trong đó có 24 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 2.228 tỷ đồng, chiếm 54,5%, góp phần đưa sản xuất ngành Công nghiệp tăng từ 24,2% năm 2007 lên 33,5% năm 2017.

Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2020, đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển theo hướng bền vững, đồng bộ, có năng lực cạnh tranh cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, trước mắt tỉnh xác định ưu tiên đầu tư phát triển 3 nhóm ngành: Khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển, ven biển để tạo bứt phá và động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác. Với tinh thần đó, hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo hoàn tất thủ tục để triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn ở khu kinh tế trọng điểm ven biển phía Nam, trọng tâm là dự án Cảng biển nước sâu Cà Ná, với quy mô tiếp nhận tàu 300.000 DWT và đang xúc tiến hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng 2 bến tàu công suất 70.000 – 100.000 DWT; đang trình Trung ương thẩm định dự án Khu Công nghiệp Cà Ná quy mô 827 ha; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu Cà Ná công suất 50.000 m3 và đang mời gọi đầu tư dự án Tổ hợp điện khí Cà Ná... Mặt khác, tỉnh còn tăng cường liên kết, phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh và kết nối liên vùng, phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngoài các giải pháp kể trên, tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển, nhất là hạ tầng giao thông kết nối tuyến đường ven biển với QL1A, QL27, QL27B, đường vành đai và một số tuyến đường giao thông đến các khu trọng điểm về du lịch, cảng biển... Khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh quản lý, triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch các khu đô thị, du lịch, công nghiệp với không gian kinh tế biển, ven biển. Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy hải sản và công tác quản lý các hoạt động của tàu cá, quan trắc cảnh báo môi trường, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu rủi ro, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và vùng bờ, góp phần đảm bảo an toàn cho ngư dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng và các giá trị, lợi thế, tiềm năng mới của biển nhằm tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh đi đôi với củng cố thế trận quốc phòng, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.