Cô và trò Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Mỹ Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Toàn trường hiện có 7 cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên đảm nhận nuôi dạy 60 trẻ khuyết tật từ 3 đến 15 tuổi; trong đó, có 14 em bị khiếm thính, còn lại mắc các chứng Down, tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và tăng động. Với nhiều dạng tật và lứa tuổi của trẻ như vậy, nên việc dạy và học tại trường hoàn toàn khác so với các trường mầm non, tiểu học bình thường. Dựa trên trình độ, dạng khuyết tật, nhà trường chia HS thành 5 lớp, gồm 1 lớp khiếm thính và 4 lớp chậm phát triển, học tập theo chương trình chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, vào đầu mỗi năm học, nhà trường phân công GV kiểm tra trình độ, lên kế hoạch giảng dạy, đặt ra yêu cầu, mục tiêu rèn luyện riêng cho từng HS. Đối với trẻ khiếm thính, GV tập trung dạy các em kỹ năng nghe, nói, kết hợp dạy ngôn ngữ khẩu hình, hội thoại, giảm ngôn ngữ dấu. Với lớp chậm phát triển, các em học 4 kỹ năng: tự lực, giao tiếp, vận động, văn hóa; trong đó, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng “tự lực”, “giao tiếp” giúp các em hòa đồng, có khả năng tự phục vụ bản thân.
Để HS tiếp thu bài nhanh và hiệu quả, bên cạnh việc mua sắm, tự làm đồ dùng phù hợp với từng môn học, đối tượng trẻ, nhà trường đầu tư xây dựng một phòng cách âm phục vụ việc học của trẻ khiếm thính; một phòng Tâm vận động là nơi giúp trẻ tự kỷ vui chơi, trị liệu, kìm hãm sự tăng động… Trong mỗi tiết dạy, GV tăng cường sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, vừa dạy, vừa tổ chức trò chơi để các em thoải mái, hứng thú với việc học. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, GV giảng dạy tại trường, chia sẻ: Dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, nhưng khi bước vào giảng dạy thực tế, tôi cảm thấy khó khăn nhiều lắm. Để các em biết tự phục vụ, biết đọc, biết viết, biết làm những phép toán đơn giản là cả một quá trình dài, đòi hỏi người GV phải có lòng kiên trì, sự nhẫn nại, dạy trẻ từ những điều nhỏ nhất, quan tâm, bồi dưỡng giúp các em phát triển khả năng của bản thân. Tuy vất vả, nhưng nhìn các em tiến bộ mỗi ngày là chúng tôi cảm thấy ấm lòng, có thêm niềm tin, nghị lực dìu dắt các em nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Mỹ Hoa, cho biết thêm: Từ điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nhà trường nhận đầu vào HS từ 3 đến 8 tuổi. Với những em khuyết tật dưới 3 tuổi, nhà trường sẽ tư vấn, giới thiệu phụ huynh đưa con em tới cơ sở uy tín để được thực hiện các phương pháp can thiệp sớm. Trẻ khuyết tật ở độ tuổi nhỏ sẽ cho hiệu quả giáo dục cao hơn trẻ lớn tuổi. Sau 8 tuổi, hành vi khuyết tật của trẻ trở thành thói quen nên rất khó thay đổi. Khi mới đến trường, hầu hết HS đã 5-6 tuổi nhưng chưa có ngôn ngữ, thiếu kỹ năng tự phục vụ, một số mắc chứng tự kỷ kèm tăng động nên rất cục tính, hay chạy nhảy, la hét. Tuy nhiên, sau một thời gian học tập, rèn luyện, đa phần các em đã có chuyển biến rõ rệt, các em có kỹ năng tự phục vụ, biết vẽ tranh, phân biệt màu sắc, biết đọc, biết viết, biết làm toán, giao tiếp với GV, bạn bè… Điển hình như em Diệu Tú, 12 tuổi, HS lớp Sóc Nâu, bị mắc chứng tự kỷ, lúc mới tới trường, Diệu Tú không có ngôn ngữ, khó khăn trong việc ăn uống, sau 4 năm học tập, đến nay em đã học xong chương trình tiếng Việt lớp 1, biết múa, biết hát, tự tin giao tiếp với GV, bạn bè. Hay như em Nguyễn Hưng, 10 tuổi, HS lớp Nai Vàng, bị mắc chứng tự kỷ kèm tăng động. Ngày mới đến trường, Hưng thường la hét, chạy nhảy; đến nay, Hưng đã chịu ngồi yên trên ghế, tuân thủ khẩu lệnh của GV, biết tô màu, viết chữ...
Chia tay cô và trò Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai, chúng tôi cứ nhớ mãi lời cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Mỹ Hoa tâm sự: Công dạy 1 trẻ mắc hội chứng Down bằng dạy 5 trẻ bình thường; với 1 trẻ mắc bệnh tự kỷ thì công sức ấy sẽ được tính bằng 10 trẻ bình thường, vì tính nết các em mắc bệnh tự kỷ thường xuyên thay đổi theo thời tiết, cảm xúc. Chúng tôi thật sự trân quý và mong rằng những cán bộ, GV, nhân viên tại ngôi trường “đặc biệt” này sẽ luôn có thật nhiều sức khỏe, tận tâm dìu dắt những trẻ kém may mắn nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.
Lâm Anh