Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự luật do Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày tại phiên họp nhận định, thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự trong thời gian qua cho thấy, có nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì tòa án, viện kiểm sát mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không đủ thời gian để xem xét; có trường hợp đương sự gửi đơn trong thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không được người có thẩm quyền xem xét hoặc không kịp thời phát hiện các sai sót, do đó khi phát hiện bản án sai thì đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng không có cơ chế giải quyết.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, dự thảo luật trình UBTVQH cho ý kiến lần này quy định: đương sự có quyền đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án, quyết định có liệu lực pháp luật. Giữ nguyên quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm của người có thẩm quyền là 3 năm. Trường hợp đương sự đã gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm trong thời hạn quy định (1 năm) nếu người có thẩm quyền không xem xét hoặc đã xem xét nhưng không phát hiện được vi phạm, đến khi hết thời hạn kháng nghị mới phát hiện bản án, quyết định có sai phạm thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm không phụ thuộc vào thời hạn kháng nghị 3 năm nói trên.
Về cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bà Lê Thị Thu Ba cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định Hội đồng Thẩm phán TANDTC được xem xét lại quyết định của mình khi có sai lầm nghiêm trọng và quy định rõ các chủ thể có quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án TANDTC. Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, ra quyết định về việc giải quyết vụ án; quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành. Bà Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh: “Hệ thống luật pháp của ta tiến tới hòa nhập với quốc tế, nhưng phải cân nhắc rất kỹ đến điều kiện của Việt Nam”. Việc quy định cơ chế xem xét lại này nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của người dân.
(Theo SGGP Online)