(NTO) Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đã có nhiều cách làm hay, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được cải thiện rõ nét, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của Thành ủy Phan Rang – Tháp Chàm, kết quả nổi bật về thực hiện Nghị quyết 29 ở ngành GD&ĐT thành phố, trước hết là công tác xây dựng Đảng trong trường học được quan tâm đúng mức, trong đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được cấp ủy đơn vị thường xuyên quan tâm nên nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, giáo viên trong công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ đảng viên của ngành GD&ĐT thành phố chiếm 44,87%; các trường học đều có chi bộ độc lập; cấp uỷ, chi bộ đã phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo trong các đơn vị trường học.
Lớp học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Đài Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh Tiến Thành.
Trong thực hiện các giải pháp về đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo, đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông theo chuẩn kiến thức kỹ năng, nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. Hằng năm, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều thực hiện công khai mục tiêu, chuẩn chất lượng đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình học; coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống, của từng cơ sở giáo dục và đào tạo, là căn cứ để giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục.
Đối với giáo dục thường xuyên đã từng bước đầu tư để bảo đảm điều kiện học tập cho mọi người, nhất là đối tượng chính sách, xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được học nghề, chuyển đổi nghề; khuyến khích học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Các trường học triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chương trình dạy môn tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; thường xuyên chuẩn hoá năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu, ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng thiết bị dạy học ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy tiếng Anh tại các trường học. Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt; đến tháng 12-2017, toàn thành phố đã có 15/16 phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học; có 16/16 phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; toàn thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ năm 2017.
Trong thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học đối với giáo dục phổ thông, toàn ngành GD&ĐT thành phố đã tập trung đổi mới mạnh mẽ quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thực hiện phân luồng sau THCS. Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục của các trường học cũng có sự đổi mới rõ nét. Các trường đã vận dụng linh hoạt hình thức đánh giá bằng điểm số kết hợp với đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh, khuyến khích việc học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Khâu ra đề thi, đề kiểm tra cũng có sự đổi mới theo hướng tăng cường khả năng vận dụng kiến thức, phát huy năng lực, sáng tạo của học sinh.
Công tác quản lý giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trường học trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường của đội ngũ cán bộ quản lý. Trong xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, ngành luôn chú trọng củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về trình độ đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới công tác dạy học. Đến cuối năm 2017, toàn ngành GD&ĐT thành phố có 1.429 giáo viên và 111 cán bộ quản lý ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS); trong đó số giáo viên đạt chuẩn chiếm 99,9%, trên chuẩn chiếm 86,4%; cán bộ quản lý đạt chuẩn chiếm 100%, trên chuẩn chiếm 96,4%.
Từ những kết quả trên có thể khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết 29 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét đối với sự nghiệp GD&ĐT của Tp. Phan Rang – Tháp Chàm. Hệ thống trường, lớp được quy hoạch, đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Chất lượng giáo dục phổ thông, mầm non từng bước nâng lên; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng gia tăng. Công tác xã hội hoá giáo dục, hoạt động khuyến học, khuyến tài, công tác xây dựng xã hội học tập ngày càng được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm và thu được nhiều kết quả. Với những kết quả đó đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp “trồng người”, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn thành phố.
Tiến Thành