Trường ĐH Giao thông - Vận tải Tp. Hồ Chí Minh có hai ngành: Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy sẽ là hai chuyên ngành thuộc nhóm ngành Hàng hải. Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cũng đổi tên một số ngành như: Hệ thống thông tin kinh tế thành Hệ thống thông tin quản lý, Tiếng Anh thành Ngôn ngữ Anh, Mạng máy tính truyền thông thành Truyền thông và mạng máy tính.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng chuyển ngành Quản trị kinh doanh thương mại, quản trị kinh doanh du lịch đã tuyển sinh lâu nay thành các chuyên ngành của ngành Quản trị kinh doanh; chuyển ngành Công nghệ Spa và Y sinh học thành chuyên ngành của ngành Giáo dục thể chất.
Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), ngành Luật Kinh doanh, Luật Thương mại quốc tế, Luật Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán sẽ nằm trong một ngành chính là Luật Kinh tế. Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, ngành Quản trị luật cũng được đổi tên thành Quản trị kinh doanh. Các trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Hùng Vương, ĐH Khoa học Sài Gòn… cũng có nhiều ngành học và chuyên ngành đổi tên.
Lãnh đạo một số trường cho biết, việc chuyển đổi tên ngành không ảnh hưởng nhiều đến chương trình đào tạo cũng như việc cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, với việc thay đổi này, các trường sẽ phải sắp xếp, thiết kế lại một số môn học, chương trình đào tạo cho phù hợp.
Theo thạc sĩ Lâm Tường Thoại, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT cho phép một ngành nhưng có nhiều chương trình đào tạo khác nhau. Có nghĩa là sinh viên sẽ được cấp bằng tốt nghiệp ngành chính là Luật Kinh tế, những chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán… sẽ được ghi vào trong bảng điểm học tập của sinh viên.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, những ngành chuyển đổi tên đã tuyển sinh các khóa trước sẽ không áp dụng việc cấp phát văn bằng theo danh mục tên ngành học mới. Việc chuyển đổi tên ngành học thực tế không ảnh hưởng đến chương trình đào tạo của các trường. Trước đây, các trường có những ngành hẹp, bây giờ gom lại để phù hợp hơn theo từng nhóm ngành đào tạo.
ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh tuyển 13.420 chỉ tiêu
Theo thông tin toàn cảnh chỉ tiêu tuyển sinh của ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, tổng chỉ tiêu chính thức của các trường thành viên không biến động nhiều so với năm 2010, toàn ĐHQG TP HCM là 13.420 chỉ tiêu (ĐH: 12.570 và CĐ: 850).
Trường có số chỉ tiêu tăng nhiều nhất là ĐH Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh: thêm 50 chỉ tiêu, tổng chỉ tiêu là 3.950 (bậc ĐH: 3.800, bậc CĐ: 150). Các ngành tăng chỉ tiêu gồm: Điện - Điện tử: 650 (tăng 10 chỉ tiêu), nhóm ngành Công nghệ hóa - Thực phẩm - Sinh học: 430 chỉ tiêu (tăng 20 chỉ tiêu) và ngành Kỹ thuật giao thông: 180 (tăng 20 chỉ tiêu).
Trường ĐH KHXHNV điều chỉnh chỉ tiêu ở một số ngành nhưng tổng chỉ tiêu toàn trường vẫn như năm ngoái: 2.800 chỉ tiêu. Trường ĐH KHTN tổng chỉ tiêu dự kiến là 3.450, trong đó ĐH: 2.750 và CĐ: 700 (tăng 25 chỉ tiêu so với năm 2010). Trường ĐH Kinh tế - Luật: 1.660 chỉ tiêu.
Trường ĐH Công nghệ thông tin: 660 chỉ tiêu. Khoa Y: 100 chỉ tiêu. Trường ĐH Quốc tế tuyển 800 chỉ tiêu cho 11 ngành đào tạo chính quy do trường cấp bằng và 860 chỉ tiêu vào các ngành thuộc 9 chương trình liên kết với các trường ĐH nước ngoài.
Nhiều chương trình liên kết nước ngoài
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội - Đại học Quốc gia đưa ra mức điểm trúng tuyển như sau: theo ngành, kết hợp với điểm trúng tuyển vào trường theo khối thi. Nếu thí sinh đủ điểm vào trường theo khối thi nhưng không đủ điểm vào ngành đã đăng ký dự thi sẽ được chuyển vào ngành khác cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu.
Trường này tuyển thẳng thí sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế; ưu tiên xét tuyển những thí sinh đạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và có kết quả thi tuyển sinh ĐH năm 2010 đạt từ điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trở lên (không hạn chế số lượng).
Trường cũng đưa ra nhiều chương trình đào tạo đặc biệt như Chương trình đào tạo tiên tiến đối với các ngành Toán học liên kết với Trường ĐH Washington- Seatle (Hoa Kỳ), ngành Hóa học liên kết với Trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ) và ngành Khoa học Môi trường kiên kết với Trường ĐH Indiana (Hoa Kỳ) tuyển sinh trong phạm vi cả nước đối với các thí sinh dự thi ĐH khối A có kết quả thi cao;
Chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế ngành Vật lý liên kết với Trường ĐH Brown (Hoa Kỳ), ngành Địa chất liên kết với Trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ), ngành Sinh học, liên kết với Trường ĐH Tufts (Hoa Kỳ). Ngoài các thí sinh đăng ký trực tiếp, các thí sinh trúng tuyển vào các ngành học khác với kết quả xuất sắc có thể được xét tuyển bổ sung vào các ngành học đạt trình độ quốc tế này.
(Theo Tiền phong Online)