Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Bác Ái có trên 100 trường hợp tảo hôn. Trong đó, có một số trường hợp đang ở độ tuổi đến trường, nhưng do có quan hệ dẫn đến mang thai nên phải bỏ học để tổ chức đám cưới. Riêng tại địa bàn xã Phước Thành, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 3 trường hợp tảo hôn, được gia đình tổ chức lễ cưới, trong đó có một trường hợp vừa học xong THCS đã phải dừng việc học để lập gia đình.
Tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản, hậu quả việc tảo hôn, hôn nhân
cận huyết thống cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.
Theo Phòng Tư pháp huyện Bác Ái, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, trước hết là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên và chưa đến được các thôn, vùng giáp ranh; công tác tổ chức, thực thi pháp luật còn nể nang, phát hiện và xử lý vụ việc chưa kịp thời, nghiêm túc. Mặt khác, việc kết hôn đối với đồng bào được thực hiện chủ yếu theo phong tục, tập quán; việc lấy vợ, lấy chồng chỉ cần sự chấp thuận của cha mẹ hai bên gia đình, họ hàng, làng xóm mà không quan tâm đến tuổi tác. Trong khi đó, việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào tuổi vị thành niên. Hệ lụy của nạn tảo hôn khiến các em học sinh bỏ học giữa chừng để xây dựng gia đình, lấy vợ, lấy chồng khi còn đang tuổi ăn tuổi học, chưa đủ lo đủ nghĩ, thể chất chưa hoàn thiện và đặc biệt chưa có điều kiện kinh tế để tạo dựng cuộc sống gia đình...
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bác Ái cho biết: Để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các quy định pháp luật về điều kiện về tuổi kết hôn, những điều cấm trong hôn nhân, về tác hại, hậu quả của tảo hôn cho lứa tuổi thanh-thiếu niên, học sinh trên địa bàn. Mặt khác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân; đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, đầu tư kết cấu hạ tầng, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào trên địa bàn huyện gắn với thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh-thiếu niên. Mặt trận và đoàn thể các cấp, nhất là cấp cơ sở ngoài việc vận động hội viên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ, cần nhắc nhở tuyên truyền, giáo dục con em mình hiểu được hậu quả, tác hại của tảo hôn, xóa bỏ những quan điểm, hủ tục lạc hậu về hôn nhân để từng bước ngăn chặn nạn tảo hôn trong cộng đồng.
Anh Tuấn