Tham dự có lãnh đạo Chương trình chống lao của Bệnh viện, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm HIV/AIDS của 9 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong giai đoạn 2015-2017, công tác phòng, chống lao và HIV/AIDS đã đạt được một số mục tiêu đề ra, nhất là công tác chống Lao/HIV đã triển khai tại 100% số quận, huyện và xã, phường; mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố; mở rộng triển khai hoạt động lao kháng đa thuốc (PMDT)…Tuy nhiên, công tác phòng, chống Lao/HIV vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó là dịch tễ lao ở nước ta còn cao, xếp thứ 15 trong 30 nước có bệnh nhân lao cao trên thế giới; PMDT chưa tầm soát hết các đối tượng; công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lao…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung bàn giải pháp để phòng, chống Lao/HIV có hiệu quả, trong đó chú trọng tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng giám sát, tư vấn Lao/HIV cho các chuyên trách, y tế thôn, bản; chỉ đạo các huyện, thị xã cần chủ động lập kế hoạch phối hợp phòng, chống Lao/HIV; kiện toàn và củng cố, ổn định mạng lưới chống Lao/HIV từ tỉnh, huyện đến xã; tổ chức truyền thông trực tiếp tại các cụm dân cư, các hộ gia đình dưới mọi hình thức; tăng cường công tác giám sát, tư vấn để bệnh nhân lao và HIV đi làm xét nghiệm… Các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị như: Tăng cường sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành đối với hoạt động phối hợp giữa hai chương trình Lao và HIV. Thành lập tổ chuyên gia chẩn đoán Lao phổi âm tính đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Có chế độ cho cán bộ kiêm nhiệm cả hai chương trình Lao và HIV/AIDS…
Xuân Nguyên