(NTO) Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013-2020”, ngư dân tỉnh ta đã từng bước thay đổi cách thức tổ chức sản xuất trên biển, số tàu thường xuyên đánh bắt thủy sản tại tuyến khơi ngoài tỉnh ngày càng tăng và tích cực liên kết theo mô hình Tổ đoàn kết. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu đề án đặt ra là cơ bản chấm dứt hoạt động khai thác hải sản bằng nghề vây rút có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định (nghề vây rút mùng) vẫn chưa thể hoàn thành.
Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam).
Theo nhiều ngư dân cho biết, nghề vây rút mùng hoạt động rất hiệu quả vì chỉ cần khai thác gần bờ, thời gian chuyến biển ngắn và đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, theo kỹ thuật khai thác, các tàu cá hành nghề này thường kèm theo sử dụng chất nổ, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường và nguồn lợi sinh vật biển. Hiện nay, toàn tỉnh có 255 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề vây rút mùng, giảm 28 tàu cá so với tháng 2-2017 và đáng nói là các tàu cá này đã chuyển sang các nghề khác như câu, vây rút chì, lưới rê, mành chụp. Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Việc chuyển đổi từ nghề vây rút mùng sang các nghề khác tuy chưa đạt như mong muốn nhưng đã tạo được bước chuyển khá căn bản, nhất là trong nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ năm 2016 đến nay, Chi cục đã tổ chức 70 lớp tuyên truyền những quy định của Nhà nước về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cho trên 3.100 ngư dân. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”, Chi cục đã tổ chức 4 lớp tuyên truyền cho 222 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của các xã, phường ven biển và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố nhằm thay đổi nhận thức và ý thức trách nhiệm của họ về công tác chống sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản và các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp. Qua thanh, kiểm tra, đơn vị đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 461 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt và thu nộp vào ngân sách nhà nước trên 440 triệu đồng, thu hồi 137 giấy phép khai thác thủy sản đối với nghề vây rút mùng. Đối với 118 trường hợp còn lại, Chi cục sẽ tiếp tục tiến hành thu hồi giấy phép khai thác nếu chưa chuyển đổi sang các nghề khác để khai thác đúng theo quy định pháp luật.
Xã Thanh Hải (Ninh Hải) là địa phương tiên phong trong việc chuyển đổi nghề vây rút mùng sang các nghề khác phù hợp. Đồng chí Phạm Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, cho biết: Từ đầu năm 2016, xã đã tuyên truyền cho các ngư dân hành nghề vây rút mùng không được mua sắm, chuyển nhượng giàn lưới vây rút mùng vì đây là nghề cấm, không được phép khai thác. Đồng thời, vận động, tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn đóng mới tàu thuyền công suất lớn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ đó, một số ngư dân đã hiểu rõ được tác hại, tính chất nguy hiểm của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện và nghề vây rút mùng để khai thác hải sản. Đến nay, toàn xã đã có 11/45 tàu cá hành nghề vây rút mùng chuyển đổi sang nghề vây rút chì, trong đó, có 2 ngư dân vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67 và 89.
Anh Trương Hiền Lương, ngư dân ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi hành nghề vây rút mùng để khai thác hải sản. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế đem lại không cao và biết đây là nghề cấm nên tôi đã đầu tư 500 triệu đồng để mua giàn lưới vây rút chì đi khai thác tại vùng biển xa, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhiên liệu. Hiện nay, tôi đang làm thủ tục đóng mới tàu công suất lớn theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ để đánh bắt hải sản hiệu quả hơn, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tuy hiện tại đã có trên 53% giấy phép khai thác thủy sản của các tàu cá hành nghề vây rùng mùng đã bị thu hồi, nhưng để đạt được mục tiêu đề án đề ra không phải là chuyện dễ. Vì vậy, các địa phương cần quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi nghề đối với những tàu cá hành nghề vây rút mùng. Phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan trong công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn cương quyết không cho vay đối với các chủ phương tiện vay vốn để mua sắm lưới vây rút mùng để hoạt động khai thác thủy sản.
Mai Dũng