Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2018, cả nước có 9.821 trạm y tế (TYT) xã thực hiện KCB BHYT, với 21,5 triệu thẻ đăng ký ban đầu. Từ khi thực hiện chính sách thông tuyến (năm 2015), số lượt KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm; tỷ trọng lượt KCB BHYT tuyến huyện lại tăng mạnh. Theo thống kê, năm 2015, có 34 triệu lượt người KCB BHYT tại tuyến xã; năm 2017 giảm còn 33 triệu lượt người. Trong 6 tháng đầu năm, con số này là 15,7 triệu người, chiếm tỷ trọng 18,5%. Tại tuyến huyện, năm 2015, tỷ trọng KCB BHYT là 42,8%, đến năm 2017 tăng 51,4%; 6 tháng đầu năm đạt 52,2%... Công tác KCB BHYT tuyến xã gặp một số khó khăn, vướng mắc; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhiều TYT thiếu thốn dẫn đến chất lượng KCB chưa đáp ứng yêu cầu và tạo niềm tin đối với người dân. Nguồn kinh phí trích cho y tế cơ sở hiện không đáp ứng việc quản lý các bệnh mãn tính ở cơ sở…
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.
Hội nghị đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến cơ sở trong thời gian tới. Nhiệm vụ trọng tâm là tận dụng, phát huy tối đa nguồn lực hiện có, nâng cao năng lực cho TYT xã. Một trong hoạt động chính của TYT xã là quản lý tốt các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm, nhất là bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, nhất là đào tạo đội ngũ bác sĩ gia đình, đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; ngoài ra, chỉ đạo y tế tuyến Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ đắc lực cho các TYT. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo thực hiện tốt hồ sơ quản lý sức khỏe để phát hiện sớm và đưa những người có bệnh mãn tính vào quản lý điều trị; điều chỉnh danh mục thuốc và kỹ thuật KCB BHYT, tạo mọi điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực cho TYT xã, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên cũng như giảm chi phí, đáp ứng yêu cầu KCB của người dân.
Uyên Thu