Người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, ông Daryl Kimball (Đa-rin Kim-bôn), cho rằng phi hạt nhân hóa không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Ông nêu rõ việc một quốc gia, vốn công khai thử nghiệm và phát triển vũ khí hạt nhân như Triều Tiên, từ bỏ vũ khí hạt nhân là điều "chưa từng có tiền lệ".
Trong khi đó, chuyên gia David Albright (Đây-vít An-brai) từ Viện Khoa học và An ninh Quốc tế đề xuất một chiến lược, theo đó Mỹ cần thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) công khai danh sách đầy đủ toàn bộ cơ sở và nguyên liệu trong chương trình hạt nhân của mình, trong đó có urani và plutoni. Ông Albright cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều cần quyết định liệu có cần di dời vũ khí hạt nhân ra khỏi Triều Tiên để phá hủy chúng hay phá hủy ngay bên trong lãnh thổ nước này.
Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Theo các học giả thuộc trường Đại học Stanford, kể cả khi Triều Tiên hợp tác, quy mô của việc phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt, được cho là bao gồm hàng chục cơ sở hạt nhân, sẽ vẫn rất khó khăn. Các chuyên gia này nhận định phải cần tới lộ trình 10 năm, bởi theo họ, "Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí cho tới khi an ninh của nước này được đảm bảo”.
Cảnh báo của giới chuyên gia được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẽ tới Bình Nhưỡng từ ngày 5 đến 7-7 tới, đánh dấu chuyến thăm lần thứ ba trong vòng ba tháng tới quốc gia Đông Bắc Á này. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 12-6 tại Singapore, nơi mà ông Kim Jong-un cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên. Dự kiến, Ngoại trưởng Pomeo sẽ có cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thảo luận chi tiết cho cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Chưa đầy 3 tuần trước, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Mỹ mong muốn Triều Tiên có các bước đi giải trừ hạt nhân “đáng kể” trong vòng 2 năm tới, trước khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump vào tháng 1-2021. Giới chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân xem đây là mục tiêu lạc quan, căn cứ vào quy mô chương trình vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, hồi cuối tuần qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (Giôn Bôn-tơn) đã công khai kế hoạch tham vọng một năm phi hạt nhân hóa. Khung thời gian nhanh chóng mà ông Pompeo đề xuất ngược lại hẳn với các chiến lược thận trọng, có phương pháp mà hầu hết giới chuyên gia Triều Tiên khẳng định là cần thiết để tạo ra một thỏa thuận phi hạt nhân hóa lâu dài.
Cho đến nay, giới chức Mỹ vẫn chưa khẳng định về việc liệu Bình Nhưỡng có cung cấp đầy đủ và chi tiết về kho vũ khí và chương trình hạt nhân của nước này hay không. Đây là một điều kiện quan trọng để giám sát quá trình phá hủy các sở hạt nhân tại Triều Tiên. Các chuyên gia lo ngại rằng Mỹ có thể chấp nhận một thỏa thuận, trong đó chỉ tập trung vào Yongbyon (Dâng-piên) -cơ sở làm giàu urani duy nhất mà Triều Tiên thừa nhận- và bỏ qua các cơ sở hạt nhân bí mật khác.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ở Singapore ngày 12-6 vừa qua, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên nhằm đổi lấy những đảm bảo an ninh. Văn kiện này không nêu cụ thể phương thức hoặc khung thời gian cho việc thực thi, để lại các chi tiết này cho những cuộc đàm phán sau đó.
Theo TTXVN