Toàn phường hiện có 3.124 hộ, với 11.578 nhân khẩu, phân bố ở 8 khu phố. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, kinh doanh nên việc tập hợp tổ chức sinh hoạt các CLB và tiếp cận tuyên truyền thông tin về chính sách DS-KHHGĐ còn hạn chế. Bên cạnh đó, những quan điểm lạc hậu như “đông con đông của” hay sinh con phải có “nếp có tẻ” vẫn ăn sâu trong từng nếp nghĩ của người dân. Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ phường triển khai kế hoạch thực hiện trong từng tháng, từng quý nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra. Cùng với đó, đội ngũ CTV dân số thường xuyên được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông nhằm giúp họ phát huy khả năng tuyên truyền, vận động tốt ngay từ cơ sở. Để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao, hàng tháng Trạm Y tế phường phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… tổ chức sinh hoạt với chị em, hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để bảo vệ sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ngoài các hình thức tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp, phát thanh tuyên truyền trong các đợt tổ chức chiến dịch, cán bộ chuyên trách DS phường còn kết hợp với CTV đến từng nhà dân để vận động. Chị Lê Thị Xuân Diệu, cán bộ chuyên trách dân số phường Tấn Tài cho biết: Trong nhiều hình thức tuyên truyền thì tuyên truyền trực tiếp thông qua lực lượng CTV mang lại hiệu quả cao nhất. Do vậy để phát huy khả năng tuyên truyền, chúng tôi thường bầu chọn CTV là cán bộ hội, đoàn thể làm công tác kiêm nhiệm nên uy tín trong nhân dân khá cao. Nếu có chính sách mới về công tác DS-KHHGĐ là bà con lại “chuyền tai” cùng nhau thực hiện. Toàn phường hiện có 13 CTV dân số phân bổ đều ở các khu phố, trực tiếp theo dõi di, biến động dân số và tư vấn tại hộ gia đình thực hiện KHHGĐ. Đây được xem cánh tay nối dài đưa chính sách DS-KHHGĐ đến với từng người dân.
Chị Nguyễn Thị Bình, CTV dân số khu phố 7 tuyên truyền cách nuôi con khỏe cho người dân.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị Nguyễn Thị Bình, CTV dân số khu phố 7 vẫn bền bỉ đến từng gia đình để tuyên truyền vận động chị em áp dụng các biện pháp tránh thai. Đặc biệt chị luôn quan tâm đến các gia đình trẻ, những cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động chị em cấp, phát và hướng dẫn chị em áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe, điều kiện công việc. Nhờ vậy, nhận thức của nhân dân đang ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhiều chị em trong khu phố đã tập được thói quen tốt là đi khám thai, khám phụ khoa định kỳ. Trong các buổi sinh hoạt nhóm ở khu phố, người dân không chỉ lắng nghe và tiếp nhận thông tin mà còn mạnh dạn nêu lên những thắc mắc, những vấn đề mình gặp phải trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ. Nhiều chị em trong phường mới có một con nhưng đều quyết định thực hiện KHHGĐ để giãn thời gian sinh con thứ 2.
Không chỉ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách về dân số, đội ngũ CTV dân số còn lồng ghép trao đổi về tâm tư, tình cảm, đời sống gia đình, kinh nghiệm nuôi con khoẻ-dạy con ngoan, kinh nghiệm chăm sóc SKSS, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nên hiệu quả công tác truyền thông bước đầu thu được nhiều kết quả. Tính đến nay toàn phường có trên 1.167 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 72% kế hoạch năm. Trong đó nhiều biện pháp khó vận động như triệt sản, đặt vòng đều vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng giảm theo từng năm.
Để công tác DS-KHHGĐ đi vào chiều sâu, Ban DS-KHHGĐ phường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động truyền thông dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân… góp phần ổn định kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân địa phương.
Mỹ Dung