Gia đình (GĐ) là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Để giữ được những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của GĐ, luôn là sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch số 2455/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai “Chương trình hành động phòng, chống bạo lực đến năm 2020”; Kế hoạch số 4541/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được các ngành, các cấp phối hợp thực hiện và đạt được nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng GĐ văn hóa ấm no, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ ở các cấp, các ngành nhằm hạn chế thấp nhất BLGĐ trong GĐ tại các địa phương và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Công tác giáo dục và vận động mọi GĐ tự nguyện, tự giác tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở, các câu lạc bộ GĐ phát triển bền vững; giữ gìn và phát huy văn hóa GĐ và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của GĐ Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của GĐ trong xã hội phát triển. Thường xuyên hướng dẫn tăng cường tuyên truyền, giáo dục đến từng hộ GĐ về pháp luật, chính sách có liên quan đến phòng, chống BLGĐ, nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống GĐ, cộng đồng. Từ các hoạt động trên đã xuất hiện nhiều tấm gương GĐ tiêu biểu về sản xuất kinh doanh giỏi, GĐ hoà thuận, hạnh phúc, dòng họ không có tội phạm, GĐ nuôi con khoẻ, dạy con ngoan… góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá đô thị, nông thôn, đã hình thành được những nếp sống văn hoá tốt đẹp, thấm đậm tình làng nghĩa xóm, quan hệ GĐ có nhiều tiến bộ. Năm 2017 toàn tỉnh có 147.257 hộ GĐ (chiếm 90% số hộ GĐ toàn tỉnh) được công nhận GĐ văn hóa.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền liên quan đến công tác GĐ và phòng chống BLGĐ nhìn chung chưa thường xuyên. Việc triển khai, tổ chức các hoạt động cũng như công tác thống kê, thu thập số liệu liên quan đến công tác GĐ và phòng chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều trở ngại, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 122 vụ BLGĐ được phát hiện và xử lý là 122 vụ; người gây BLGĐ chủ yếu là nam giới (90 vụ); nạn nhân BLGĐ nữ là 86 người chủ yếu ở độ tuổi 16-59 tuổi…
Ngày GĐ Việt Nam và Tháng hành động quốc gia phòng, chống BLGĐ năm 2018 với chủ đề: “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng chống bạo lực gia đình” được phát động từ ngày 1-6 đến 30-6. Trong đó hoạt động trọng tâm được thực hiện đồng loạt trên phạm vi toàn quốc trong mỗi GĐ với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” vào ngày GĐ Việt Nam trong khung giờ từ 17-19 giờ ngày 28-6. Đây là hoạt động nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và GĐ đến vấn đề phòng, chống BLGĐ, quan tâm xây dựng GĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững, đồng thời tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của GĐ Việt Nam. Khẳng định vai trò to lớn của GĐ là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người về đạo đức, lối sống lành mạnh và kỹ năng ứng xử trong GĐ.
Để thực hiện có hiệu quả Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực, các địa phương cần có kế hoạch và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tuyên truyền về GĐ, phòng chống BLGĐ, tôn vinh giá trị các mối quan hệ trong GĐ. Tổ chức gặp mặt tuyên dương GĐ văn hóa tiêu biểu, thăm, tặng quà một số GĐ đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Về lâu dài, cần đưa mục tiêu chương trình hành động quốc gia về phòng chống BLGĐ vào kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm của địa phương và bố trí đủ nguồn lực thực hiện. Tăng cường thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của GĐ Việt Nam, vai trò của dòng họ, cộng đồng. Duy trì và nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ và kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân, GĐ, dòng họ, cộng đồng có thành tích, xuất sắc trong công tác GĐ và phòng chống BLGĐ.
GĐ bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh BLGĐ. Vì vậy các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần xây dựng được quy chế, quy ước nhằm hạn chế mâu thuẫn trong GĐ, tạo dựng hình ảnh GĐ chuẩn mực, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch