Nỗ lực không ngừng
Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành Y tế đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực chuyên ngành Lão khoa. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho NCT, tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện NCT được bố trí buồng, bàn khám riêng. Những người từ 75 tuổi trở lên được phát số khám bệnh ưu tiên và bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai phòng Lão khoa tại khoa Khám bệnh và phòng điều trị nội trú cho NCT tại khoa Nội tim mạch- Lão khoa. Ngoài ra, hằng năm, các cơ sở khám, chữa bệnh, các hội và chi hội thầy thuốc trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với Hội NCT các cấp tổ chức nhiều đợt thăm khám sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho NCT tại nhiều địa phương. Công tác tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe NCT được chú trọng đúng mức.
Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh khám bệnh cho người cao tuổi xã Xuân Hải (Ninh Hải).
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm 2017, công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe NCT tại các bệnh viện và cộng đồng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm, có 221.949 lượt NCT đến khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tăng 91.295 lượt so với năm 2016; 5.930 NCT được khám sức khỏe định kỳ; 4.533 NCT được lập hồ sơ theo dõi các bệnh mãn tính tại trạm y tế xã, phường; 1.809 NCT bị tàn tật, di chứng chấn thương, tai biến mãn tính, bệnh nghề nghiệp được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 992 NCT cô đơn, bị bệnh nặng được cán bộ y tế đến khám tại nhà; 35.913 NCT được tuyên truyền, tư vấn các kiến thức tự chăm sóc sức khỏe và cách phát hiện cũng như phòng tránh một số bệnh thường gặp ở NCT.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực, quan tâm, chăm sóc và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe NCT, song công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại: Mạng lưới chăm sóc sức khỏe NCT chưa đầy đủ tại các tuyến, nhân lực chuyên ngành lão khoa còn thiếu, tất cả các bệnh viện đều chưa có khoa Lão riêng. Hiện, đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa chỉ có 7 người, trong đó có 5 bác sĩ trình độ sau đại học. Số gường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT là 164, so với nhu cầu thực tế, con số này còn rất mỏng.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, chi phí khám, chữa bệnh đang ngày một tăng cao. Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì khi khám, chữa bệnh, bệnh nhân sẽ rất tốn kém. Hiện, ngân sách nhà nước chỉ mua BHYT cho những người từ 60 đến dưới 80 tuổi đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và người từ 80 tuổi trở lên. Theo số liệu năm 2017, tỉnh ta có 21.445 NCT có thẻ BHYT, chiếm 39,9%. Như vậy, còn khoảng hơn 60% NCT phải tự chi trả hoàn toàn các chi phí khám, chữa bệnh. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy là đời sống kinh tế của phần lớn NCT vẫn còn rất thấp. Đa phần họ sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới công tác chăm sóc sức khỏe NCT hiện nay.
Một vấn đề đáng lưu tâm là tỷ lệ NCT có thói quen khám sức khỏe định kỳ hiện vẫn còn ở mức rất thấp, chỉ chiếm 6,8%. Nhiều NCT sức khỏe yếu, đi lại khó khăn không thể đến bệnh viện khám sức khỏe theo định kỳ. Do đó, khi phát hiện bệnh đã trở nặng nên chi phí điều trị rất cao và hiệu quả không như mong muốn. Hơn nữa, hiện nay, NCT nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đang phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”, đa phần là bệnh mãn tính, không có tính lây lan nhưng thời gian điều trị kéo dài gây tốn kém về mặt tài chính và khó khăn trong cuộc sống thường ngày của NCT.
Do vậy, để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở Y tế chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh: Thực hiện ưu tiên khám, chữa bệnh và bố trí giường nằm phù hợp cho NCT; chú trọng công tác đào tạo đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành Lão khoa; tăng cường phối hợp với Hội NCT các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe NCT bằng nhiều hình thức phù hợp...
Ngọc Diệp