Nhiều năm qua, bám trụ với nghề tráng bánh thủ công, nhưng trong ý nghĩ của bà luôn trăn trở làm thế nào để đưa công nghệ vào nghề tráng bánh truyền thống nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Với ý tưởng đó, vào năm 2017, bà quyết định ra Bình Định mua máy sản xuất bánh tráng. Cùng năm đó, bà lên kế hoạch và xây dựng cơ sở sản xuất, làm các thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh, bắt điện 3 pha… với các khoản đầu tư gần 200 triệu đồng. Đầu năm 2018, mẫu bánh tráng máy ra lò và được xuất bán vào Đồng Nai. Thành công bước đầu đã khích lệ cho bà Diệu mạnh dạn mở rộng liên kết sản xuất. Giờ đây, bánh tráng máy với thương hiệu “Trúc Ngọc” đã được bán tại hầu hết các địa phương trong tỉnh và bán vào các tỉnh, thành phía Nam như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài giá cả phải chăng, sản phẩm đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc sản xuất rõ ràng. Ngoài ra, bà Diệu còn đa dạng hoá sản phẩm với nhiều mẫu mã để khách hàng có sự chọn lựa về mẫu bánh tráng.
Trao đổi về điểm khác biệt giữa làm bánh tráng thủ công với bánh tráng máy, bà Diệu thổ lộ: Khác với cách làm bánh tráng thủ công trước đây, làm bánh tráng máy có tiếp cận với khoa học và phương pháp mới, từ việc lựa chọn nguyên liệu (gạo, bột) nguồn nước đến các công đoạn pha chế đều có công thức nhất định để tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng. Ưu điểm của Bánh tráng máy là nồi hơi dùng bằng điện 3 pha, không đốt bằng nguyên liệu như củi, trấu, mạc cưa… như trước đây nên không ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, sản xuất bánh tráng máy chủ động được nguồn hàng, công suất của máy cho ra sản phẩm bình quân đạt trên 1 triệu đồng tiền bánh/giờ và một tạ gạo có thể tạo ra trên 94 kg bánh tráng thành phẩm, hiệu suất tăng gấp chục lần so với làm bánh tráng thủ công. Trong khi đó, nếu làm bánh tráng thủ công thì từ sáng đến chiều chỉ cho ra sản phẩm từ 300-500 ngàn đồng tiền bánh. Ngoài ra phải tốn nhiều công lao động trong một ngày. Sản xuất bánh tráng bằng máy, bước đầu mỗi tháng bà Diệu thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng.
Qua thông tin nắm bắt, bà Diệu chia sẻ, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có vài cơ sở sản xuất bánh tráng máy, nguồn hàng chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, chứ chưa đưa ra thị trường ngoài tỉnh nên vào những tháng mưa cũng như dịp lễ, tết nguồn bánh tráng cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh là không đủ. Thêm vào đó, nếu xây dựng được cơ sở sản xuất bánh tráng máy, ngoài việc tạo được việc làm cho khoảng 3-4 lao động địa phương thường xuyên, thì còn góp phần ổn định về cung-cầu và giá cả đối với sản phẩm bánh tráng.
Chị Bùi Thị Bích Vương, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Hà, cho biết: Không những là hội viên tiêu biểu về sự nỗ lực cần cù trong lao động sản xuất, mà bà Diệu còn cùng với Chi hội Phụ nữ thôn Nhị Hà 3 làm tốt công tác thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Bà là gương điển hình sản xuất giỏi của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nhị Hà.
Phan Hiếu