Trong thời gian gần 20 năm, từ 1951 đến 1969, Bác Hồ đã viết l.205 bài báo, với 23 bút danh khác nhau cho báo Nhân Dân và gần 300 bài cho báo chí nước ngoài. Điều đó cho thấy sức đi và viết của Bác mãi mãi là tấm gương sáng cho những người làm báo hiện nay học tập.
Đọc lại bài “Phải ra sức chống hạn” của Bác Hồ viết đăng Báo Nhân Dân số 2088, ra ngày 4-12-1959, chúng ta thấy cách viết của Bác rất ngắn gọn đưa đến cho người đọc rất nhiều thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trên toàn miền Bắc. Mở đầu bài báo, Bác nêu những con số về năng suất cây lúa vụ mùa thật ấn tượng: “Vụ này khắp miền Bắc ta thu hoạch tốt hơn mọi năm”. Số đông hợp tác xã gặt được từ 25 đến 29 tạ một mẫu tây như Nam Lợi (Vĩnh Linh), Đông Mỹ (Thanh Hoá), Liên Thành (Hải Dương)…
Nhiều hợp tác xã gặt được từ 31 đến 39 tạ, như Đông Phú (Sơn Tây), Vũ Quyết (Thái Bình), Xóm Bắc (Bắc Ninh)... Một số hợp tác xã gặt được hơn 40 tạ như Hiệp An (Hải Dương) được 43 tạ, Xóm Oánh (Hải Dương) được 46 tạ …”
Sau khi nêu những con số đơn cử từ số đông hợp tác xã đến một số hợp tác xã được mùa lúa, Bác phân tích nguyên nhân được mùa: “Trong mấy tháng qua dù nhiều nơi bị thiên tai hạn hán, nhưng vẫn được mùa. Đó là vì đồng bào nông dân và cán bộ ta đã quyết tâm chống hạn. Trong công việc ấy, các hợp tác xã và tổ đổi công đã làm chủ lực, bộ đội và thanh niên ta đã góp sức nhiều”. Ở cuối bài báo, Bác Hồ động viên: “Cán bộ từ tỉnh đến xã phải đi xem xét tận đồng ruộng, phải cùng quần chúng bàn bạc, đặt kế hoạch cho sát và theo dõi đôn đốc, chu đáo liên tục. Như thế thì chúng ta nhất định đánh thắng giặc hạn và bảo đảm vụ chiêm thắng lợi. Các nơi hãy ra sức thi đua chống hạn lấy thành tích để chúc mừng 30 năm thành lập Đảng yêu kính của chúng ta. Đó sẽ là một món quà thiết thực nhất, qúy báu nhất”.
Qua trích dẫn bài báo nêu trên cho thấy cách viết của Bác Hồ ngắn gọn. Người dùng chữ giản dị, dễ hiểu có sức lan toả lớn trong đời sống xã hội, động viên mọi người thi đua chống hạn bảo đảm cho vụ chiêm thắng lợi. Tuy là một nhà báo quốc tế lỗi lạc nhưng khi viết báo cho dân ta đọc, Bác luôn viết gần gũi với lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân lao động. Giảng bài tại lớp chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17-8-1953, Bác nói về cách viết: ‘Viết cho ai? Viết cho đại đa số: Công- Nông- Binh. Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng. Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”.
Bác Hồ yêu cầu người làm báo phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu có đuôi. Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng. Phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa ra. Viết phải thiết thực “nói có sách mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết qủa thế nào? Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? Ngày tháng nào v.v...
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2018), chúng ta nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị. Học phong cách viết báo của Bác, chân thật, giản dị, dễ hiểu, phục vụ mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng; phục vụ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân lao động. Thường xuyên gắn bó với địa bàn cơ sở, phản ánh sinh động thực tiễn đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo Đảng địa phương trong thời kỳ mới.
Sơn Ngọc