► Mỹ, Hàn Quốc có thể tuyên bố ngừng tập trận trong tuần tới
Ngày 17-6, một nguồn tin giấu tên từ chính quyền Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ dự kiến sẽ thông báo quyết định ngừng các cuộc tập trận chung trong tuần tới, trong bối cảnh tiến trình đối thoại với Triều Tiên đang diễn ra thuận lợi.
Theo nguồn tin, Mỹ-Hàn có thể sẽ đưa thêm vào quyết định này điều khoản “rút lại”, nghĩa là hoạt động tập trận sẽ được nối lại nếu chính quyền Triều Tiên không thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa. Nguồn tin nêu rõ: “Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã tham vấn chặt chẽ về các cuộc tập trận chung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ chấm dứt. Tuần tới, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ sẽ cùng nhau công bố kết quả của các cuộc tham vấn này”.
► Nga và Saudi Arabia đề xuất tăng sản lượng của OPEC thêm 1,5 triệu thùng/ngày
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 16-6 cho biết Nga và Saudi Arabia (A-rập Xê-út) sẽ đề nghị Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý III-2018.
Ông Alexander Novak nêu rõ thêm: "Chúng tôi chỉ đề nghị điều này trong quý III/2018. Vào tháng Chín tới, chúng tôi sẽ đánh giá lại tình hình thị trường và đưa ra quyết định cho giai đoạn tiếp theo".
Cuộc họp về chính sách sản lượng của OPEC dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) từ ngày 22 đến 23-6.
OPEC, Nga và một số nhà sản xuất khẩu dầu thô lớn ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2017 cho đến hết năm 2018 nhằm giải quyết nguồn cung dư thừa trên toàn cầu và vực dậy giá dầu, vốn lao dốc từ mức 110 USD/thùng hồi năm 2014 xuống chỉ còn 30 USD/thùng vào năm 2016.
Thỏa thuận đó cùng với một số yếu tố khác đã giúp giá dầu tăng 60% so với năm ngoái. Hồi cuối tháng Năm vừa qua, giá dầu Brent Biển Bắc và giá dầu ngọt nhẹ đã lần lượt tăng lên chạm mức 80 USD/thùng và 72,24 USD/thùng.
Việc Nga và Saudi Arabia thảo luận về vấn đề tăng sản lượng khai thác nhằm "hạ nhiệt giá vàng đen" đang cao hiện nay, tránh xảy ra cú sốc dầu mỏ như dự báo của nhiều chuyên gia do ảnh hưởng của tình hình chính trị tại một số nước xuất khẩu dầu như Iran, Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la). Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo thị trường dầu mỏ có nguy cơ bị gián đoạn vào năm 2019 ngay cả khi giải quyết được việc nguồn cung có thể thiếu hụt, do việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran cũng như tình hình bất ổn tại Venezuela gây ra.
Theo nguồn tin từ OPEC, ít nhất ba nhà sản xuất trong khối này không đồng tình với Saudi Arabia và Nga về đề xuất tăng sản lượng khai thác. Một nguồn tin từ OPEC nhận định: "Việc thay đổi quyết định là rất phức tạp. Iran, Iraq, Venezuela và một số nhà sản xuất khác sẽ kêu gọi giữ nguyên mức trần sản lượng hiện nay của OPEC cho tới cuối năm 2018".
Một nguồn tin khác từ OPEC cho rằng cuối cùng các nhà sản xuất sẽ nhất trí bơm thêm dầu, song chắc sẽ chỉ ở mức tăng khiêm tốn.
H.L