1. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Liên hợp quốc khẳng định lập trường kiên định về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ông Stephane Dujarric- người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp Antonio Guterres đã ra tuyên bố tái khẳng định lập trường của Liên hợp quốc về mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên “một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Trong cuộc họp báo hàng ngày tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ông Dujarric nhấn mạnh lập trường kiên định của Liên hợp quốc về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho biết các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc, trong đó có Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, có thể tham gia hỗ trợ tiến trình này. Ông khẳng định hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên vừa diễn ra tại Singapore là “sự khởi đầu của một tiến trình”.
Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ngày 12-6 tại Singapore, Tổng thư ký Guterres đã gửi thư cho lãnh đạo hai nước nêu rõ: “Con đường phía trước đòi hỏi sự hợp tác, thỏa hiệp và một mục đích chung.” Trong thư, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng việc thực thi các thỏa thuận đã đạt được phù hợp với các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc sẽ cần đến sự kiên trì và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế . Ông khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ các bên thực thi các thỏa thuận và thúc đẩy tiến trình này.
2. Thủ tướng Anh giành thắng lợi quan trọng cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội. Thủ tướng Anh Theresa May, ngày 12-6 đã tránh được một thất bại lớn trong chiến lược Brexit của bà, sau khi các nghị sĩ bác bỏ một kế hoạch vốn sẽ trao cho Quốc hội quyền phủ quyết đối với thỏa thuận cuối cùng được đàm phán với Brussels.
Với 324 phiếu thuận, trên 298 phiếu chống, Hạ viện Anh đã bác nội dung sửa đổi đối với dự luật Brexit sẽ loại bỏ quyền của Chính phủ được quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không cần bất cứ thỏa thuận nào. Biện pháp này nếu được thông qua sẽ trao cho Quốc hội quyền quyết định về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là sẽ mở lại đàm phán hoặc ở lại EU. Sau động thái trên, phiên bản sửa đổi riêng của Chính phủ sẽ được thúc đẩy.
Trong một phiên bỏ phiếu khác cùng ngày, Chính phủ Anh cũng giành được một thắng lợi sít sao nữa khi các nghị sĩ xác nhận ngày 29-3-2019 sẽ vẫn là ngày Anh rời khỏi EU, qua đó bác bỏ đề xuất của Thượng viện nhằm thay đổi ngày này. Kết quả của phiên bỏ phiếu trên là 326 phiếu thuận trên 301 phiếu chống.
Đầu tháng 5 vừa qua, Thượng viện Anh đã bỏ phiếu thông qua điều khoản cho phép Quốc hội ngăn chặn hoặc trì hoãn thỏa thuận Brexit cuối cùng. Cơ quan lập pháp này cho rằng dự luật rút khỏi EU chỉ là văn kiện kỹ thuật nhằm biến luật của EU thành luật Anh và đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra thuận lợi.
3. Hiện tượng băng tan nhanh ở Nam Cực đã đẩy mực nước biển trên toàn cầu dâng lên gần 1 cm kể từ đầu những năm 1990, đe dọa nhiều khu vực ven biển từ các đảo ở Thái Bình Dương đến bang Florida (Mỹ). Đây là kết quả nghiên cứu mới được một nhóm nhà khoa học quốc tế công bố trên tạp chí Nature ngày 14-6.
Theo nghiên cứu, lượng băng ở Nam Cực đang tan nhanh ở mức báo động, với khoảng 2.700 tỷ tấn băng biến mất trong 25 năm, từ 1992 đến 2017. Tây Nam Cực tỏ ra “nhạy cảm” hơn với tình trạng biến đổi khí hậu khi phần lớn lượng băng tan (hơn 70%) ở khu vực này. Lượng băng tan khá ít ở Đông Nam Cực, với khoảng 31 tấn/năm kể từ năm 2012. Tốc độ băng tan hằng năm cũng nhanh hơn, lên 219 tấn/năm kể từ năm 2012, so với 76 tỷ tấn thời kỳ trước đó.
Nghiên cứu cũng cho thấy với xu hướng hiện tại, Nam Cực nhiều khả năng trở thành nguồn lớn nhất làm tăng mực nước biển. Dự báo, đến cuối thế kỷ XXI này, riêng Nam Cực có thể khiến mực nước biển tăng thêm 16 cm. Các nhà khoa học cảnh báo mực nước biển tăng đe dọa đến nhiều thành phố ven biển và những cộng đồng ở vùng trũng, nơi hàng trăm triệu dân đang sinh sống.
C.Đ