Kỷ nguyên can dự quân sự tại Syria đang kết thúc, đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad tới thăm Nga vào tuần trước. Tổng thống Putin còn kêu gọi tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi Syria.
Tuyên bố này của Putin chắc chắn làm Iran không hài lòng, bởi chính Tehran đã phối hợp với Moskva hậu thuẫn Chính quyền Assad. Iran đã phản đối tuyên bố của Nga, khẳng định nước này triển khai quân sự theo đề nghị của Chính phủ Syria. Iran có lý do riêng để hiện diện tại Syria, đó là vì nước này muốn tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông, tiếp cận Liban bằng đường bộ và biển Địa Trung Hải. Iran cũng muốn cách ly Israel và Thổ Nhỹ Kỳ tiếp cận biên giới nước này.
Nga không chia sẻ các tính toán này với Iran. Về mặt kỹ thuật, hai nước cùng hợp tác để đạt mục tiêu chung là duy trì sự tồn tại của Assad, nhưng hợp tác giữa Nga và Iran là "cuộc hôn nhân thời vụ", không phải đồng minh thực thụ. Nga muốn ngăn cản bất kỳ cường quốc nào tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông. Một quốc gia nào đó, một khi đã trở thành quốc gia kiểm soát được Trung Đông, sẽ có thể gia tăng ảnh hưởng tại phía Bắc, tới phía Nam Caucasus - khu vực vùng đệm quan trọng đối với Nga. Bất cứ cường quốc nào có thể thiết lập được ảnh hưởng tại Nam Caucasus cũng đều có thể đe dọa Bắc Caucasus, khi đó sẽ đe dọa nước Nga. Nga muốn các cường quốc tại Trung Đông cạnh tranh lẫn nhau, ngăn chặn bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào thiết lập ảnh hưởng tại Nam Caucasus.
Nga và Iran cũng khác biệt trong tính toán liên quan đến dầu mỏ. Chính phủ Nga phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, vì vậy bất kỳ sự gia tăng nào về giá dầu đều có lợi cho Nga. Iran có điểm hòa vốn tài chính tương đối thấp để sản xuất dầu - Iran đã có lợi nhuận khi giá dầu ở mức 55-65 USD/thùng nên nước này có thể tăng sản lượng để giữ giá dầu ở mức này. Hiện thỏa thuận hạt nhân Iran đã gần như sụp đổ, sản lượng dầu thô của Iran có nguy cơ bị cắt giảm khiến giá dầu tăng, điều này có lợi cho Nga. Nói cách khác, Mỹ trừng phạt Iran khiến giá dầu thô tăng lại là có lợi cho Moskva.
Đối với Israel, Nga có quan hệ hữu nghị với Israel, nhưng việc Iran gia tăng ảnh hưởng tại Syria đang dẫn tới việc Israel tiến hành các cuộc oanh kích tại Syria nhằm đáp trả lại nguy cơ Iran hiện diện tại khu vực biên giới Israel-Syria. Cuộc chiến của Israel tại Syria không phải là với Nga, ngược lại cuộc chiến của Nga tại Syria cũng không phải là với Israel. Tuy nhiên, việc Nga và Iran cùng hậu thuẫn chính quyền Syria và hiện diện tại nước này đang đẩy Nga vào nguy cơ va chạm trực tiếp với Israel - quốc gia mà Nga muốn tránh đụng độ.
Điều này giải thích tại sao Nga không trả đũa sau khi Israel tấn công một số khí tài phòng không của Nga nhưng do quân đội Syria vận hành. Moskva thậm chí còn không đề cập đến các vụ tấn công này. Các khí tài này chắc chắn là các khí tài thế hệ cũ, nhưng việc Nga không đồng ý bán cho Syria các khí tài hiện đại hơn, như S-300, một ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thăm Nga cho thấy Moskva muốn tránh cung cấp cho Syria các hệ thống vũ khí có khả năng phá hủy không quân Israel.
Đằng sau tất cả các lý do về địa chiến lược khiến Nga can dự quân sự tại Syria, Moskva cũng có một lý do đơn giản hơn trong hậu thuẫn Assad: Chính phủ Nga cần chứng minh để người dân Nga thấy rằng bất chấp những khó khăn đất nước đang phải đối mặt, nhưng Nga đã lấy lại địa vị cường quốc thế giới. Sau 25 năm thất thế trước NATO và phương Tây, Nga cần chứng minh nước này có khả năng đối trọng với Mỹ. Nga cần đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, lực lượng đã trải qua một số cải cách từ cuộc chiến tranh với Grudia năm 2008 (Nga giành chiến thắng nhưng cuộc chiến bộc lộ nhiều điểm yếu của lực lượng không quân và tên lửa).
Tại Syria, một màn phô diễn thành công của quân đội Nga chỉ đạt được khi có một chiến thắng và một lối thoát chiến lược. Khẳng định quân đội Syria đủ mạnh để tự chiến đấu nhờ sự hậu thuẫn của Nga cho phép Moskva giữ thể diện, mặc dù Nga vẫn tiếp tục hiện diện tại Syria nhiều tháng sau khi tuyên bố nhiệm vụ đã hoàn thành.
Hiện vẫn chưa thể xác định chính xác khi nào Nga sẽ rút khỏi Syria. Khi Nga rút, Iran sẽ còn rất ít lựa chọn. Iran có thể tiếp tục hậu thuẫn Assad thông qua việc gia tăng hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tranh Syria, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực tác chiến của không quân Syria. Tăng hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tranh tại Syria là vấn đề hết sức khó khăn đối với Iran khi tình trạng kinh tế nước này đang khó khăn và các cuộc biểu tình chống chính phủ vì các vấn đề kinh tế đã diễn ra tại Iran.
Iran có thể duy trì mức độ hậu thuẫn Chính quyền Syria như hiện nay, nhưng nếu Nga rút quân, Tehran sẽ đối mặt với Israel tại phía Nam Syria và Thổ Nhĩ Kỳ- quốc gia cũng có lực lượng không quân hiện đại - tại phía Bắc. Không còn sự hậu thuẫn của Nga, phiến quân, đặc biệt là các nhóm được không quân Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, sẽ có cơ hội tái chiếm các phần lãnh thổ mà Chính quyền Syria đã chiếm lại thời gian qua.
Cuối cùng, Iran có thể giảm hiện diện tại Syria và thay vào đó tập trung gia tăng ảnh hưởng tại Iraq - quốc gia sát với biên giới Iran. Tuy nhiên, nếu Iran thực hiện tính toán này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng ảnh hưởng tại Syria.
Mặc dù Nga chưa rút quân khỏi Syria, nhưng nếu điều này xảy ra áp lực đối với Iran sẽ lớn hơn và Trung Đông có thể sẽ rơi vào sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cần thắng lợi trong quan hệ với các quốc gia tại khu vực, nhưng cuộc chiến của Iran tại Syria còn kéo dài và chưa thấy bất kỳ lối thoát nào.
Theo TTXVN