Vấn đề hạt nhân Iran: Anh, Nhật Bản tái khẳng định ủng hộ JCPOA

Ngày 21-5, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thủ đô Buenos Aires (Argentina), Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (Ta-rô Cô-nô) đã tiến hành hội đàm với người đồng cấp Anh Boris Johnson (Bô-rít Giôn-xơn), trong đó hai bên nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Kono đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), bất chấp Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử này. Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định sẽ hợp tác với Anh để duy trì JCPOA và đóng góp cho sự ổn định của khu vực.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Johnson cảnh báo cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran với hàng loạt điều kiện cứng rắn mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi sẽ "vô cùng khó khăn" để có thể đạt được. Theo ông Johnson, không dễ gì đạt được một thỏa thuận toàn diện trong mọi vấn đề, ví dụ như một lịch trình hợp lý. Quan chức này cũng bảo vệ JCPOA, cho rằng thỏa thuận này "đã bảo vệ thế giới khỏi một quả bom hạt nhân của Iran", đổi lại người dân Iran được hưởng một số lợi ích kinh tế.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Mai Pôm-peo) đã yêu cầu Iran phải dừng làm giàu urani và đe dọa áp đặt "những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử" với Tehran nếu nước Cộng hòa Hồi giáo không thay đổi quan điểm. Theo đó, Ngoại trưởng Pompeo yêu cầu Tehran cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) được tiếp cận đầy đủ mọi địa điểm liên quan đến hạt nhân, chấm dứt hỗ trợ các nhóm vũ trang trong khu vực, ngừng chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và trả tự do cho công dân Mỹ. Những yêu cầu trên nằm trong "12 điều kiện cơ bản" mà Iran buộc phải thực hiện nếu muốn Mỹ quay trở lại JCPOA và không áp dụng lệnh cấm vận cứng rắn. Ông Pompeo cảnh báo Iran sẽ tiếp tục cảm thấy "đau đớn vì các đòn trừng phạt" và sẽ phải "vật lộn để giữ nền kinh tế ổn định" nếu Tehran không tuân thủ 12 yêu cầu này. Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Hát-xan Râu-ha-ni) ngay lập tức đã chỉ trích lời đe dọa trên của Mỹ, tuyên bố Mỹ không có quyền quyết định thay Iran hay các quốc gia độc lập khác trên thế giới.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash (An-oa Ga-gát-sơ) cho rằng Iran sẽ buộc phải quay lại bàn đàm phán để thiết lập một thỏa thuận hạt nhân mới, bởi sự ủng hộ của châu Âu sẽ không đủ để cứu vãn thỏa thuận hiện nay.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg tại Abu Dhabi chiều 20/5, người đứng đầu Bộ Ngoại giao UAE khẳng định Tehran sẽ phải làm điều đó "trong vài tuần tới". Ông Gargash nhấn mạnh rằng sẽ phải có một thỏa thuận mới với các ranh giới mới nhằm mở rộng các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran cũng như giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo và "sự can dự khu vực" của nước này.

Ngày 8-5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đồng thời tuyên bố sẽ "trừng phạt kinh tế ở cấp độ cao nhất" đối với Tehran. Quyết định của ông Trump vấp phải sự phản đối của quốc tế, trong khi các bên ký kết còn lại đều khẳng định sẽ tiếp tục thực thi văn kiện này.