Trong dịp nghỉ lễ 30- 4 năm nay, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Hợi, Bí thư Chi bộ thôn Nam Cương. Anh đang đổ những bao cỏ xanh vào máng ăn cho đàn bò gần 20 con của gia đình. Người bí thư chi bộ thôn nêu gương sản xuất giỏi trên đồng đất Nam Cương, cho biết: Anh trồng 1,6 sào cỏ và mua thêm rơm dự trữ nguồn thức ăn cho bò. Hàng ngày, anh ra ruộng cắt cỏ chở về bổ sung thức ăn xanh bảo đảm thể trạng đàn bò mạnh khỏe vượt qua những tháng mùa khô. Chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo nông dân áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm trong sản xuất vụ hè-thu vừa bảo đảm thu nhập gia đình vừa có thân cây rau màu bổ sung thức ăn cho đàn gia súc. Với phương châm còn nước còn canh tác, bà con nông dân tập trung thu hoạch vụ đông- xuân, khẩn trương làm đất xuống giống vụ-hè thu dứt điểm vào trung tuần tháng 5- 2018.
Nông dân Nam Cương khai thác mạch nước ngầm bơm tưới cây trồng vụ hè- thu 2018.
Thôn Nam Cương hiện có 166 hộ, với 612 nhân khẩu, đời sống người dân địa phương dựa vào nguồn thu nhập từ 41 ha đất canh tác và chăn nuôi 800 con gia súc có sừng, bình quân mỗi nông hộ chăn nuôi 5 con gia súc. Đây là khu dân cư đi đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cây canh tác cây rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng biện pháp tưới phun tiết kiệm nước. Nông dân địa phương đã xuống giống vụ hè-thu được 30 ha củ cải trắng, 6 ha cà rốt, 3 ha đậu phộng, 2,5 ha cây măng tây xanh, 4,5 ha cỏ voi... Anh Trần Hợi đưa chúng tôi đến thăm một số mô hình chống hạn hiệu quả của nông dân địa phương. Ngừng tay theo nước vô những lãnh củ cải trắng mới gieo, anh nông dân trẻ Lê Quang Đông cho biết: Cuối tháng 4- 2018, tôi kêu thợ đóng thêm hai giếng khoan sâu 10 m, chi phí 2,4 triệu đồng, nâng số giếng của gia đình lên 11 giếng, dùng mô tơ điện công suất 1,5 ngựa bơm tưới cho 5 sào đất canh tác. Tôi đã xuống giống 4 sào củ cải trắng còn 1 sào tiếp tục thu hoạch và xuống giống vào đầu tháng 5. Củ cải trắng trồng vụ đông- xuân đạt năng suất trên 3 tấn/sào, thương lái thu mua tại rẫy 1.000 đồng/kg. Thu hoạch củ cải trắng gặp thời điểm “rớt giá” tuy không có lãi cao nhưng giúp bà con thu hồi vốn đầu tư, tiếp tục xuống giống vụ hè-thu 2018.
Đến thăm khu rẫy của anh Nguyễn Trí Nhân thực hiện thí điểm mô hình bón phân hữu cơ và biện pháp che phủ cho đất trồng cây ngắn ngày trong vụ hè- thu. Mô hình do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố hỗ trợ thực hiện trên diện tích 2,5 sào đậu phộng của anh Nhân. Trong đó có 2 sào thí điểm bón phân hữu cơ và 500 m2 thí điểm trải bạt nylon giữ ẩm cho cây trồng, hạn chế bốc hơi nước. Cây đậu phộng xuống giống 25 ngày sinh trưởng tốt hơn so với diện tích đối chứng 2 sào cũng của gia đình anh. Anh Nhân cho biết cây đậu phộng có thời gian sinh trưởng 90 ngày, đậu hạt tươi được thương lái thu mua 15.000 đồng/kg, thân cây đậu phộng làm thức ăn cho đàn bò 8 con của gia đình. Anh đã đóng 9 giếng khoan sử dụng 2 mô tơ luân phiên bơm tưới cho 4,5 sào đất canh tác vụ hè-thu 2018.
Anh Trần Hợi cho biết thêm, sau 43 năm giải phóng quê hương và sau 26 năm tái lập tỉnh, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường học, nước sinh hoạt bảo đảm đời sống người dân Nam Cương ngày càng no ấm. Tuy chưa có hệ thống thủy lợi tự chảy, nhưng bà con đã trồng cây phủ xanh vùng đồi cát tạo mạch nước ngầm bơm tưới canh tác rau màu cho thu nhập cao. Nhân dân địa phương mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư mở rộng kênh T8 thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh từ thôn Từ Tâm về Nam Cương dài khoảng 2 km. Đây là giải pháp “thoát hạn” căn cơ, giúp nông dân khai thác tiềm năng đất đai vươn lên làm giàu bền vững.
Phượng Vĩ