Theo chân cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã Phương Hải, chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Dư, con trai út của Mẹ VNAH Đào Thị Rời tại thôn Phương Cựu. Ông Dư năm nay vừa bước qua tuổi 80, có trên 50 năm tuổi Đảng là thương binh hạng 4/4. Tuy sức khỏe giảm sút, nhưng ký ức về người mẹ tảo tần và người chị gái giàu bản lĩnh cách mạng thì ông vẫn nhớ rất tường tận. Trong căn nhà tình nghĩa vừa được nhà nước hỗ trợ xây dựng, tuy không lớn nhưng khá tươm tất, ông Dư tự hào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về truyền thống gia đình.
Gia đình tôi vốn đông anh em, bố lại mất sớm nên cuộc sống khá khó khăn mẹ tôi là Bà MVNAH Đào Thị Rời phải tảo tần sớm hôm nuôi anh em tôi khôn lớn, trưởng thành, vừa tham gia tiếp tế nuôi quân, đánh giặc. Trong hai cuộc kháng chiến mẹ đã động viên con các con tích cực, hăng hái tham gia đánh giặc bảo vệ quê hương. Gia đình đã có 4 người con tham gia kháng chiến. Chiến tranh ác liệt, 2 anh tôi là Nguyễn Giác và Nguyễn Liên lần lượt hy sinh nằm lại chiến trường.
Tiếp nối các anh của mình, bà Nguyễn Thị Hĩnh là con gái của bà Đào Thị Rời cũng tham gia hoạt động cách mạng. Mẹ Hĩnh có chồng và con trai hy sinh, bản thân mẹ từng bị địch bắt tra khảo nhiều lần (là thương binh hạng ¾), nhưng vẫn một lòng theo cách mạng và luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Ông Dư nhớ lại: Chị tôi lấy chồng là người cùng làng, sinh được 2 người con, một trai, một gái. Năm 1962, trong một trận đánh tại thôn Phương Cựu, chồng hy sinh, chị tôi nén đau một mình nuôi con khôn lớn, vừa tham gia hoạt động cơ sở cung cấp thông tin, tiếp tế cho bộ đội ta đánh giặc. Năm 1969, người con trai của bà Hĩnh cũng thoát ly tham gia vào quân ngũ. Trong một trận đánh tại thôn Ba Tháp (xã Bắc Phong) vào mùa hè năm 1970, anh Lê Thanh Tấn, người con trai duy nhất của chị tôi cũng đã anh dũng hy sinh.
Mất chồng, rồi mất con, nhưng mẹ nuốt nỗi đau vào lòng, biến tình yêu thương thành hành động, càng tích cực tham gia xây dựng cơ sở kháng chiến. Biết nhà có người thân theo kháng chiến, làm cơ sở cho cách mạng, địch nhiều lần bắt nhốt, tra khảo, khiến bà từng “chết đi, sống lại” nhiều lần nhưng vẫn không hề lung lạc tinh thần, ý chí, một lòng, một dạ theo cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng.
Hòa bình lập lại, sống trong tình yêu thương của con cháu và tình làng nghĩa xóm, các Mẹ là những tấm gương nuôi dạy con cháu, vận động bà con lối xóm chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do tuổi cao sức yếu, mẹ Rời mất vào năm 1980 và con gái của mẹ mất vào năm 2012 tại quê nhà, để lại trong lòng mọi người nhiều tình cảm sâu đậm và tinh thần hy sinh cao cả.
Ghi nhận những công lao to lớn của các mẹ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và Bảng vàng Gia đình danh dự chống Mỹ, cứu nước. Vinh dự nhất là mới đây, mẹ Đào Thị Rời và con gái của mẹ là Nguyễn Thị Hĩnh cùng được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Anh Tuấn