Đầu tháng Tư, theo chân anh Võ Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Hải, chúng tôi đến gặp chú Năm Lu-ma ngay tại nương rẫy của ông. Không phải là một nông dân đơn thuần, ông chính là cán bộ nghỉ hưu, từng tham gia hoạt động trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và là đảng viên có 68 tuổi Đảng. Vẫn còn minh mẫn, ông kể: Hồi kháng chiến chống Mỹ, sống gần bà con dân tộc Raglai, họ gọi tên tôi như vậy, riết rồi quen trở thành biệt danh luôn. Lu-ma trong tiếng Raglai cũng có nghĩa là số 5, trùng tên thứ của tôi. Vào thời điểm trước khi diễn ra sự kiện những ngày tháng Tư lịch sử, ông được cấp trên phân công làm quyền Bí thư Huyện ủy Bác Ái. Sau ngày giải phóng, trong 2 năm 1975, 1976 ông làm Giám đốc Bưu điện tỉnh, nhưng vì lý do cá nhân, ông xin chuyển công tác. Những năm tiếp theo, ông về huyện Ninh Hải làm Phó Chủ tịch UBND huyện, rồi Phó Trưởng Ban Cải tạo nông-lâm- ngư nghiệp huyện cho đến năm 1990 nghỉ hưu tại xã Lợi Hải.
Ông Đinh Thành Hiệp chăm sóc cây măng tây xanh.
Về lại cuộc sống đời thường, lấy việc đồng áng làm niềm vui, sống với mọi người ấm áp “tình làng, nghĩa xóm”, ông Đinh Thành Hiệp được bà con trìu mến gọi theo tên cũ “chú Năm Lu-ma”. Sau nhiều năm khai hoang canh tác, hiện ông có nương rẫy diện tích 1,5 ha tại cánh đồng Rẫy Sở. Trên mảnh đấy này, ông dành 5 sào trồng lúa, còn lại trồng nhiều loại rau đậu, cỏ chăn nuôi và có làm 1 khu vườn rộng hơn 1 sào trồng xoài. Qua 10 năm cho trái, xoài thoái hóa dần không còn sinh lợi nên năm 2016 ông tìm cây trồng mới thay thế. Sau khi trồng thử nhiều loại cây, từ tháng 7-2017, ông chọn trồng măng tây xanh giống Hà Lan với diện tích 1,2 sào. Nhờ sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, ông lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tại đây nên việc chăm sóc măng tây xanh rất thuận lợi. Đến nay, măng tây xanh đã thu hoạch 4 đợt, trừ chi phí bình quân ông thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Ông nói: Tôi vẫn đang tiếp tục thu hoạch, nơi đây từng trồng nhiều loại cây nhưng tôi khẳng định chưa cây trồng nào đem lai hiệu quả kinh tế cao như măng tây Hà Lan.
Ngoài diện tích trồng trọt nói trên, trong rẫy của ông Đinh Thành Hiệp còn có 3,8 sào măng tây xanh khác do con trai ông trồng và sắp thu hoạch. Bên cạnh trồng trọt, ông làm chuồng nuôi bò sinh sản. Vừa qua, phải bán bớt 4 con để trang trải chi phí gia đình, hiện ông đang duy trì nuôi 6 con bò. Không đòi hỏi Nhà nước ưu đãi, chỉ tự thân vận động dù tuổi đã cao. Cùng với măng tây xanh, thu nhập từ nuôi bò và các cây trồng khác đã giúp ông Đinh Thành Hiệp cải thiện đời sống gia đình, trở thành hộ khá giả trong thôn. Anh Võ Ngọc Phương nhận xét: Là cán bộ kháng chiến cũ, cũng là đảng viên nhiều tuổi Đảng nhất ở địa phương, ông Năm Lu-ma đã nêu tấm gương tiên phong trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Từ thành công của ông, đã tạo tiền đề cho ngành Nông nghiệp huyện và xã mạnh dạn quy hoạch cánh đồng Rẫy Sở thành vùng chuyên canh măng tây xanh.
Bên ly trà, ngồi trò chuyện nghe ông Đinh Thành Hiệp nhắc về sự kiện những ngày tháng Tư lịch sử này, đặc biệt là những khó khăn ban đầu của tỉnh nhà sau ngày giải phóng. Theo tâm sự của ông, tuổi đã cao, không còn trực tiếp tham gia hoạt động như trước đây, ông đang dành những ngày còn lại của cuộc đời cho công việc đồng áng, thiết thực đóng góp vào việc nhân rộng mô hình sản xuất mới và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp của xã nhà.
Vân Tuyền