Thấu tình, đạt lý
Thực hiện dự án Trang trại bò sữa và xây dựng vùng nguyên liệu tại Tiểu khu 63 thuộc xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), 33 hộ dân có đơn khiếu nại chính quyền địa phương trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do phần lớn đất của các hộ dân đều là đất khai hoang, lấn chiếm đất lâm nghiệp nên UBND huyện Ninh Sơn không chấp nhận việc kê khai đền bù, thậm chí lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính các hộ dân.
Chợ Cà Ná (Thuận Nam) được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân.
Không bằng lòng với cách giải quyết của UBND huyện Ninh Sơn, các hộ dân liên tục có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng của xã, huyện để được xem xét giải quyết nhưng không được đáp lại. Các hộ dân tiếp tục gửi đơn tới Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều lần tập trung đông người kéo xuống UBND tỉnh khiếu nại. Cho đến khi đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành liên quan về tận địa phương tổ chức đối thoại, tình hình khiếu nại của các hộ dân mới được lắng xuống. Tại buổi đối thoại này, những vấn đề khúc mắc thời gian qua của người dân được phân tích cặn kẽ, thấu tình đạt lý. Vì thực tế công tác quy hoạch đất lâm nghiệp đã được tỉnh phê duyệt trước đó, nhưng địa phương chậm công bố quy hoạch; việc tổ chức cắm mốc xác lập ranh giới đất lâm nghiệp tại thực địa để giao cho cấp xã quản lý chưa thực hiện; việc quản lý và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất không kịp thời. Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước, trường hợp không phát hiện sai phạm, không công khai quy hoạch thì phải đền bù khi thu hồi đất cho người dân. Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan liên quan cần tiếp nhận hồ sơ, giải quyết kiến nghị, khiếu nại của người dân, khiến các hộ dân rất vui, không tiếp tục khiếu nại vượt cấp mà chờ kết quả xử lý của UBND tỉnh. Trên cơ sở nắm bắt tình hình, rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, căn cứ theo quy định pháp luật, vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chấp nhận nội dung kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân.
Sau buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, các hộ dân đồng tình giao mặt bằng cho các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện dự án. “Tuy chưa biết khi nào được bồi thường nhưng khi khúc mắc của tôi được giải quyết bằng việc làm thấu tình, đạt lý của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua, tôi không còn điều gì nghĩ ngợi nữa. Điều này làm cho tôi thấu hiểu và chấp hành tốt quy định của Nhà nước về việc giao mặt bằng đúng thời hạn cho đơn vị thi công”- ông Lê Sang, người dân thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn bộc bạch.
Tăng cường đối thoại với dân
Theo ông Trần Minh Cảnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, trước đây, ở một số địa phương, tình trạng chưa quan tâm tiếp dân, hoặc tiếp mang tính hình thức, chiếu lệ, thậm chí né tránh vẫn còn diễn ra. Một số nơi, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tiếp công dân chưa nghiêm túc và thường xuyên; chưa gắn công tác tiếp dân, đối thoại với việc xem xét, kết luận, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở khi mới phát sinh vụ việc, có tình trạng giao cho cán bộ tham mưu nhưng không kiểm tra đôn đốc nên hiệu quả thấp.
Nhằm đẩy mạnh việc tiếp dân, đối thoại giải quyết kiến nghị, bức xúc, khiếu kiện của người dân, UBND tỉnh đã thành lập Ban tiếp công dân cấp tỉnh, các địa phương cũng có Ban tiếp công dân cấp huyện, bên cạnh đó bố trí trụ sở tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Tại các cơ sở tiếp công dân luôn bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ cùng đại diện các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm để tham gia tiếp công dân định kỳ và đột xuất. Khi xảy ra điểm nóng, công dân tập trung đông người ở địa bàn nào, thì lãnh đạo địa phương đó có trách nhiệm giải quyết, trực tiếp đối thoại. Gần đây, lãnh đạo các cấp, các ngành đã trực tiếp xuống cơ sở, địa bàn nơi phát sinh các vụ việc phức tạp, nơi triển khai các dự án có khả năng xảy ra thắc mắc khiếu kiện để trực tiếp đối thoại với dân. Qua đó thấy được những thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm của các cơ quan, cán bộ do mình quản lý để chấn chỉnh, đồng thời giải thích, hướng dẫn cho công dân về chủ trương, chính sách và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, góp phần giải quyết kịp thời, chính xác, hiệu quả, đúng pháp luật và dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài.
Ngày càng có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với người dân, doanh nghiệp được tổ chức nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những vấn đề bức xúc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ trong quá trình quản lý, điều hành. Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại với dân, nơi ấy những vấn đề bức xúc sẽ giảm. Chính vì vậy, công tác đối thoại, tiếp dân cần được chú trọng, nhân rộng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Anh Tuấn