Ông Nguyễn Long, ngư dân hành nghề thúng chai ở thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, bức xúc: Thời gian qua, các tàu “giã cào bay” đã kéo mất 2 giàn lưới của gia đình, gây thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Tôi phải vay tiền nóng bên ngoài để mua lại giàn lưới khác để có thể tiếp tục hành nghề, nuôi sống gia đình. Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Diêm, cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, các ngư dân trên địa bàn xã đã bị các tàu “giã cào bay” kéo mất trên 70 giàn lưới, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con ngư dân nghèo sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt ven bờ. Để tiếp tục mưu sinh, nhiều người phải vay nóng để mua ngư cụ làm nghề trở lại và rồi “nợ chồng nợ”!.
Các ngư dân hành nghề thúng chai trở về sau chuyến biển.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề “giã cào bay” chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây, các tàu này hành nghề giã cào và được trang bị máy có công suất lớn trên 500 CV, chạy với tốc độ rất nhanh, trên 12 hải lý/giờ để có thể đánh bắt được các loài cá nổi như cá thu, cà ngừ, cá bạc má... nên có tên gọi là “giã cào bay”. Những tàu này chỉ được phép khai thác ở tuyến khơi và một số vùng biển nhất định, nhưng vào cuối vụ cá Nam, đầu vụ cá Bấc hằng năm (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), khi các loài thủy sản vào gần ven bờ và vùng lộng để sinh sản thì những tàu “giã cào bay” cũng “bay” theo ép sát bờ để tận thu triệt để các nguồn lợi.
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng nêu trên, đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Theo Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 24-4-2014 của UBND tỉnh “Về việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tàu cá dưới 20 sức ngựa và các hoạt động khai thác hải sản thuộc vùng biển ven bờ tỉnh Ninh Thuận”, UBND các huyện, thành phố ven biển có trách nhiệm tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản tại vùng biển ven bờ do địa phương quản lý. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa địa phương với các cơ quan chức năng còn hạn chế. Khi phát hiện các trường hợp sai phạm, lẽ ra địa phương cần phối hợp với Chi cục Thủy sản và lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhưng thực tế hiện nay các địa phương còn trông chờ, ỷ lại và từ việc địa phương chịu trách nhiệm chính theo Quyết định nêu trên của UBND tỉnh thì lại trở thành đơn vị bị động trong mọi tình huống xảy ra. Về phía Chi cục, sau khi nghe thông tin của ngư dân phản ánh, chúng tôi đã bố trí thường trực 1 tàu kiểm ngư tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận để có thể chủ động trong việc hỗ trợ địa phương. Đồng thời, phối hợp với địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, qua đó, đã xử lý 23 trường hợp tàu cá hành nghề “giã cào bay”, ra quyết định xử phạt hành chính trên 29,5 triệu đồng. Hiện nay, các tàu “giã cào bay” không còn neo đậu tại Cảng cá Cà Ná mà neo đậu tại vùng biển hòn Lau Câu của tỉnh Bình Thuận.
Vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình sử dụng chất nổ để khai thác hải sản và hoạt động khai thác bằng “giã cào bay” tại khu vực biển Cà Ná (Thuận Nam). Qua đó, đồng chí yêu cầu các lực lượng chức năng cần phối hợp với địa phương mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, vây rút mùng và giã cào bay; đồng thời, nghiên cứu cách làm của các tỉnh lân cận trong việc hạn chế các hình thức khai thác thủy sản mang tính tận diệt để triển khai thực hiện tại tỉnh ta.
Mai Dũng