Tác động nghề đi bạn trong khai thác hải sản

(NTO) Từ lâu đời, người dân miền biển gọi những người lao động làm thuê trên tàu cá là “bạn” và đi bạn có nghĩa là đi làm trên tàu hành nghề khai thác hải sản. Thông thường trên mỗi chiếc tàu (trung bình cỡ 90 CV), dù là nghề lưới vây hay lưới rê, đều cần khoảng 9-10 “bạn” cho mỗi chuyến đi biển đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, trong lần trao đổi mới đây, anh Lê Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (TS) tỉnh cho chúng tôi biết nghề đi bạn bây giờ đã không còn như trước.

Đi biển phải có “bạn”

Toàn tỉnh ta hiện có tổng số 2.761 tàu thuyền (tổng công suất 316.231 CV), trong đó có 985 tàu có công suất từ 90 CV trở lên (có gần nửa là từ 250 CV trở lên). Chỉ tính số tàu cá lớn này, nếu lấy bình quân mỗi tàu thuyền có 10 “bạn” sẽ có con số ngót 10.000 “bạn”. Vai trò của “bạn” trên tàu cá có thể thấy rõ qua câu chuyện của các ngư dân. Anh Trần Công Bình, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chủ chiếc tàu cá 420 CV hành nghề lưới rê cho biết: Tàu này được đóng theo vốn vay Nghị định 67, mỗi chuyến đánh bắt cần 12 lao động và đây là vấn đề làm chúng tôi luôn lo lắng. Bạn chỉ chọn tàu làm ăn hiệu quả và sẵn sàng bỏ rơi tàu mình nếu chuyến đi biển chia tiền ít, có tàu cũng vì không đủ “bạn” phải nằm chờ 2-3 ngày.

 
Các “bạn” tàu đang neo tại cảng Đông Hải chuẩn bị cho chuyến đánh bắt.

Đi biển phải có “bạn”, đó là khẳng định của các chủ tàu cá. Nhiều trường hợp tàu cá chuẩn bị đi đánh bắt, do “bạn” nghỉ đột ngột nên không thể đủ lực lượng lao động để ra khơi, những lúc ấy có chủ tàu phải liều kêu lao động trên bờ xuống tàu đi “bạn” cho đủ số. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có sẵn lao động trên bờ. Ông Nguyễn Văn Bông, ngư dân xã Phước Diêm (Thuận Nam), tổ trưởng của một tổ đoàn kết khai thác hải sản (gồm 5 tàu có công suất trung bình 500 CV/tàu) chia sẻ: Tùy theo cỡ tàu, thường tàu nghề pha xúc lớn có 14-15 lao động, nhỏ hơn cũng có 12 lao động, việc gọi bạn đi tàu ngày càng khó, như ở đây đang có nhiều tàu nằm bờ đợi lao động từ các tỉnh miệt ngoài về thăm nhà vào làm việc chứ đâu có sẵn lao động tại chỗ như trước kia.

Tìm giải pháp cho tình trạng thiếu “bạn”

Theo anh Nguyễn Quách Trường Thanh, Trưởng Phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh), hiện nay, lao động biển địa phương chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của tàu cá tỉnh nhà. Hầu hết những người đi bạn đều là lao động phổ thông từ nơi khác đến, có người đến từ Khánh Hòa, Phú Yên, cũng có người từ tận Nghệ An, Thanh Hóa vào. Sự thiếu “bạn” trong hoạt động khai thác hải sản diễn ra khắp các vùng biển tỉnh nhà, nhưng rõ nhất là ở vùng Cà Ná, Phước Diêm. Tại đây rất nhiều lao động biển chuyển sang làm việc trên bờ, trong đó đa số vào làm công nhân ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) kế bên. Việc làm, thu nhập ổn định, gần gia đình, không phải lênh đênh trên biển nhiều bất trắc, “bạn” bỏ nghề và chọn nhà máy. Một số vùng khác thì “bạn” đi theo mùa, chẳng hạn ở Khánh Hội (xã Tri Hải, Ninh Hải), phần lớn thời gian “bạn” làm việc trên bờ từ phụ hồ đến hái cà-phê để kiếm sống, chỉ trở lại đi biển khi không còn việc.

Nguyên nhân suy giảm lao động biển được chỉ ra chủ yếu là do thu nhập thấp. Thông thường mỗi chuyến đi biển (nửa tháng hoặc 20 ngày), bình quân mỗi “bạn” được chia 3-4 triệu đồng sẽ không đủ trang trải cho gia đình buộc “bạn” di chuyển thường xuyên từ tàu này qua tàu khác. Theo anh Trần Công Bình, thậm chí tàu anh có chuyến chia cho mỗi lao động 14-15 triệu đồng nhưng vẫn có người nghỉ để tìm tàu thu nhập cao hơn mà đi. Tác động của nghề đi bạn đến hoạt động khai thác đánh bắt hải sản là điều thấy rõ. Trước hết là sự mất chủ động, chẳng hạn khi có thông báo xuất hiện đàn cá, lẽ ra các tàu phải đi biển ngay nhưng vì phải đợi đủ “bạn” nên có lúc không đánh bắt kịp, bỏ mất cơ hội rất lãng phí. Sự phụ thuộc vào “bạn” khiến một số tàu không phát huy được năng lực, đơn giản bởi dù trang bị đầy đủ máy dò cá, máy định vị, tời, cảo… hiện đại mà không đủ bạn đi cũng đành chịu. Đáng lo hơn cả là các tàu cá liên tục đánh bắt thua lỗ sẽ khó hoạt động trở lại vì “bạn” đều tránh né, chỉ tìm tàu thường xuyên khai thác hiệu quả để đi.

Bạn nghề trên những thuyền công suất lớn ở Khánh Hội (Tri Hải, Ninh Hải). Ảnh: Sơn Ngọc

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu “bạn”? Anh Nguyễn Quách Trường Thanh chia sẻ: Từ thực tế tàu đi xa, dài ngày hoặc tàu có ngư lưới cụ mới, hiện đại thu hút lao động nhiều hơn, theo tôi chỉ có cách là ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong đánh bắt để bù vào sự thiếu hụt lao động, cụ thể là trang bị máy móc thay dần sức người ở các tàu cá. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi nguồn lực lớn, còn trước mắt để giải quyết bài toán thiếu “bạn” là tiếp nhận lao động dịch chuyển từ nơi khác đến. Để bảo đảm hoạt động, các tàu đều có bạn gốc, tức là lao động có tay nghề cao chuyên đi cho tàu mình, qua họ sẽ hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật đi bạn cho các lao động mới.