Luật Thanh tra đã có những quy định phân cấp, phân định về thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp. Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra quy định về một số trường hợp phải thực hiện hoạt động thanh tra liên ngành.
Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động thanh tra vẫn còn xảy ra sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra và giữa thanh tra với kiểm toán.
Theo Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu, việc chồng chéo trong hoạt động của ngành thanh tra và kiểm toán là do quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Thanh tra Chính phủ (TTCP) vẫn còn có những bất cập, thậm chí chưa phân định rõ ràng ranh giới về thẩm quyền giữa hai cơ quan này. Mặt khác, sự phối hợp giữa TTCP và KTNN trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán thiếu thường xuyên. Ngoài ra, kế hoạch của KTNN thường không nêu chi tiết về đối tượng được kiểm toán (chỉ ghi bộ, ngành, địa phương được kiểm toán), một số cuộc thanh tra về quản lý Nhà nước chưa nêu rõ đối tượng thanh tra.
Về những chồng chéo trong hoạt động của ngành thanh tra, theo ông Phan Văn Sáu, nguyên nhân chủ yếu là do các quy định của pháp luật về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra vẫn còn bất cập, chưa phân định một cách rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền thanh tra trong một số trường hợp; sự phân công giữa các bộ, ngành ở Trung ương và sự phân cấp, ủy quyền giữa các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương chưa rõ ràng; sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Để xử lý những trường hợp này, Thông tư 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của TTCP quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra đã quy định khá cụ thể về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
Để thể hiện quyết tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, trong đó yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động KTNN thì chủ động phối hợp, trao đổi với KTNN để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành.
Trong tháng 6 này, TTCP sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng, đồng thời lồng ghép phổ biến kế hoạch này tới lãnh đạo các tỉnh, thành phố vào nội dung tổ chức 4 hội nghị giao ban công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp trên phạm vi toàn quốc.
Quá trình tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra tới đây, TTCP sẽ tiếp tục có đánh giá, tổng kết về vấn đề này, trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Trước mắt, theo Kế hoạch xây dựng thể chế năm 2017, TTCP đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của TTCP. TTCP sẽ phối hợp với Kiếm toán Nhà nước thay đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa hai cơ quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nguồn www.chinhphu.vn