Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với 4 bộ về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 7-6, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) chủ trì cuộc làm việc xem xét, đánh giá về đổi mới cơ chế tự chủ của các ĐVSNCN thuộc 4 Bộ: Công Thương, NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.
Buổi làm việc nhằm giúp Chính phủ hoàn thiện Đề án Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại ĐVSNCL trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thảo luận vào tháng 10/2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết việc đổi mới, sắp xếp lại ĐVSNCL không phải là cắt giảm cơ học số lượng đơn vị mà là xóa bỏ bất cập, cắt giảm lãng phí ngân sách nhà nước cấp phát cho việc thực hiện dịch vụ công, tinh giản biên chế và mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công.
Các bộ, ngành, địa phương cần phải phân loại các dịch vụ hành chính công mà Nhà nước phải trực tiếp thực hiện, dịch vụ nào ĐVSNCL đảm nhiệm và lĩnh vực nào có thể tiến tới giao cho tư nhân tham gia thực hiện.
Tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL thuộc một số bộ, ngành. Phó Thủ tướng cho rằng trong hoàn cảnh mới, Quy hoạch này không phải là bất biến. Sau khi Trung ương ra nghị quyết về lĩnh vực này thì các bộ phải rà soát lại mạnh mẽ hơn, đưa ra giải pháp đột phá hơn để tinh gọn lại bộ máy, biên chế đi kèm với tăng cường năng lực, chất lượng.
Bên cạnh đó, cần đánh giá lại cơ chế và mức độ tự chủ ĐVSNCL hiện nay trong từng lĩnh vực. “Tự chủ tài chính càng cao thì mới tự chủ được về biên chế, tổ chức. Không thể không tự chủ được về tài chính mà đòi trao quyền quá nhiều về xác định biên chế và tuyển dụng cán bộ, nhân viên”, Phó Thủ tướng nói.
Gắn liền với tự chủ tài chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công, tính đúng, tính đủ các yếu tố vào giá khi coi đây là điều kiện then chốt để chuyển sang xã hội hóa và tự chủ tài chính của ĐVSNCL. Tuy nhiên, không phải đưa giá dịch vụ lên cao chót vót là tự chủ tài chính, điều này liên quan đến ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân, đến yếu tố kiểm soát vĩ mô.
Theo báo cáo, Bộ Giao thong vận tải hiện quản lý 68 ĐVSNCL, trong đó 20 đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, 42 đơn vị bảo đảm được 1 phần chi thường xuyên (khoảng 30-70%), Nhà nước bảo đảm 100% chi phí chi thường xuyên cho 6 đơn vị (ở lĩnh vực giám định y khoa, bảo vệ sức khỏe môi trường...).
Bộ GTVT đã rút gọn từ 15 Ban Quản lý dự án xuống còn 8 Ban ở các khối cầu đường, đường sắt, hàng hải, đường bộ, đường thủy nội địa…
Ở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ đang quản lý 67 ĐVSNCL với 15.421 lao động, giảm 1.324 người so với năm 2011. Trong số này có 3 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 5 đơn vị tự chủ chi thường xuyên.
Tới năm 2020, Bộ Công Thương sẽ kiện toàn lại hệ thống ĐVSNCL theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL với khoảng 4% đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chuyển sang mô hình doanh nghiệp và tăng dần cấp độ bảo đảm tài chính các năm sau.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ NN&PTNN quản lý là 70, trong đó có 2 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, 67 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, 1 đơn vị do ngân sách bảo đảm chi. Trong tổ chức bộ máy ĐVSNCL thì các cấp Trưởng, Phó đơn vị nên cho hưởng chế độ công chức, còn lại người lao động có thể ký hợp đồng.
Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường có 67% đơn vị thuộc Bộ bảo đảm chi thường xuyên, chiếm hơn 70% tổng số ĐVSNCL. Bộ cũng đẩy mạnh giảm các đầu mối trực thuộc ở cấp huyện đối với Văn phòng đăng ký sử dụng đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Cộng hòa Czech
Chiều 7/6, tại Hà Nội, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Phó Thủ tương Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng khi quan hệ hữu nghị truyền thống, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của hai quốc gia ngày một phát triển tốt đẹp và chuyến thăm, làm việc của Tổng thống Milos Zeman tại Việt Nam sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước tiến triển thêm một bước mới trong thời gian tới.
Trong năm 2016, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Czech đạt gần 250 triệu USD. Về đầu tư, đến hết năm 2016, Czech có 36 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với số vốn đăng ký hơn 100 triệu USD. Đầu tư của Việt Nam sang Czech có 4 dự án với số vốn hơn 5 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng tiềm năng và nhu cầu của cả hai nước còn rất lớn. Hai bên quan tâm hơn nữa đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Czech có thế mạnh như: Năng lượng, khai khoáng, hạ tầng và phương tiện giao thông, cơ khí chế tạo, công nghiệp môi trường, công nghiệp quốc phòng và trang thiết bị y tế bệnh viện và dạy nghề...
Phó Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có cả các doanh nghiệp của Czech.
Tổng thống Milos Zeman đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm qua và coi trọng mối quan hệ ngoại giao hữu nghị truyền thống với Việt Nam.
Ông Milos Zeman cũng đồng tình với nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi hai bên có thể hợp tác với nhau ở các lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh, đồng thời Việt Nam sẽ có cửa ngõ để Czech tiếp cận với thị trường ASEAN và các thị trường thương mại khác trên thế giới.
Tổng thống Milos Zeman mong muốn phía Việt Nam sớm tạo điều kiện về thị thực để công dân Czech có thể đi lại và giao lưu nhiều hơn tới Việt Nam trong tương lai.
Trước đó vào chiều 6/6, Tổng thống Milos Zeman và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Czech với hàng trăm doanh nghiệp và quan chức Chính phủ của hai bên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Myanmar
Chiều 07/6, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Liên bang Myanmar U Chô Xô Uyn.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh những thành tựu kinh tế-xã hội mà chính phủ Myanmar đạt được dưới sự lãnh đạo của bà Ang San Su Ki và Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) trong thời gian qua. Bày tỏ tin tưởng Myanmar sẽ tiếp tục ổn định và phát triển, đời sống người dân được nâng cao.
Phó Thủ tướng chia sẻ hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tôn giáo và truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc và bày tỏ hài lòng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Hợp tác kinh tế thương mại song phương liên tục tăng, tính đến hết tháng 4/2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 250,2 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar. Trên nền tảng tốt đẹp đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngài Đại sứ trong cương vị của mình tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tăng cường hợp tác tại các cơ chế hợp tác sẵn có nhất là về kinh tế, thương mại giữa hai nước; gia tăng hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Đại sứ U Chô Xô Uyn khẳng định Myanmar coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Bày tỏ vinh dự được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam và khẳng định sẽ làm hết sức mình để đóng góp vào việc mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước nói chung cũng như quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao nói riêng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành của Việt Nam chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm cấp cao sắp tới của Lãnh đạo hai nước.
Văn phòng Chính phủ