* Hỗ trợ dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung còn bất cập. Cụ thể, dự án Luật đã bổ sung thêm tiêu chí doanh thu, cân nhắc doanh thu từ 200 - 300 tỷ đồng, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người, thay tiêu chí số lao động bình quân bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và nên chọn 2 trong 3 tiêu chí; bổ sung quy định để tránh trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 200 lao động nhưng chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 200 lao động và vẫn được hưởng hỗ trợ.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu chỉ ra nhiều điểm còn bất cập trong dự án Luật. Với các quy định hỗ trợ doanh nghiệp, dự án Luật đưa vào rất nhiều lĩnh vực hỗ trợ như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo… nhưng các quy định này còn chung chung, không quy định cụ thể hỗ trợ thế nào.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu ý kiến chiều 23/5/2017 tại phiên họp tòan thể tại hội trường
thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ảnh: An Đăng - TTXVN
Để việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự có hiệu quả, một số ý kiến đề nghị cần xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp để quy định các nội dung hỗ trợ. Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) phân tích: Dự án Luật có nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp cần hỗ trợ gì chứ không phải xuất phát từ khả năng nhà nước có thể hỗ trợ. Vì vậy, việc quy định chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần được xác định trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu hỗ trợ quá nhiều chính sách trong khi nguồn lực không đủ sẽ dẫn đến các chính sách dàn trải không có trọng tâm, trọng điểm, không có hiệu quả. Cùng ý kiến, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị giai đoạn hiện nay cần tập trung cải cách bộ máy tổ chức để thực hiện tốt việc phục vụ cho doanh nghiệp phát triển; đổi mới tinh thần phục vụ của công chức, cải cách thủ tục hành chính từ thủ tục thành lập; thủ tục kê khai nộp thuế; tiếp cận nguồn vốn tín dụng; giảm thời gian chi phí cho doanh nghiệp. Về nguồn lực hỗ trợ, dự án Luật nên cân nhắc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách.
* Chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quan tâm đến nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị ngoài quy định hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, cơ quan soạn thảo cần xem xét thêm một số đối tượng ưu tiên khác, ví dụ như: doanh nghiệp có chủ sở hữu sử dụng lao động là người khuyết tật. Đại biểu nêu rõ: Theo Luật Người khuyết tật năm 2010, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khuyết tật được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thuê đất, thuê mặt nước, mặt bằng sản xuất... Việc quy định đối tượng ưu tiên doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật ở dự án Luật này sẽ tạo ra hành lang pháp lý chung, đồng bộ với các luật chuyên ngành khác. Tương tự, cần có quy định hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực ngành hay lĩnh vực bảo vệ môi trường, để bảo đảm tính đồng bộ của Nhà nước trong chính sách hỗ trợ, bảo đảm không có sự vênh nhau trong các quy định của pháp luật.
Đối với nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Quy định về việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại dự án Luật còn chung chung, chưa cụ thể. Điển hình như quy định Nhà nước khuyến khích hay doanh nghiệp vừa và nhỏ được các cơ quan, tổ chức hay cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; tăng cường năng lực quản trị, minh bạch của doanh nghiệp để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng... Các quy định này rất khó để xác định được cụ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ những gì, như thế nào, đơn vị cụ thể nào hỗ trợ. Do đó, ban soạn thảo cần xem xét, đưa ra những quy định cụ thể hơn, khả thi hơn để dễ áp dụng trong thực tế. Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét lại quy định: Doanh nghiệp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tài sản bảo đảm, chứng từ có giá, phương án sản xuất kinh doanh khả thi... Theo đại biểu, việc bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên những yếu tố này không khác các chính sách cấp tín dụng hiện nay của các tổ chức tín dụng trên thị trường, nghĩa là không có gì ưu việt, ưu đãi hay thuận tiện hơn. Chính sách tín dụng này không khả thi trên thực tế, thậm chí còn gây phức tạp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi lẽ, qua bảo lãnh tín dụng của Nhà nước còn thêm thủ tục, thời gian, không phải đối tượng nào cũng được hưởng nên không thể nhanh chóng và thuận lợi bằng việc vay vốn trực tiếp từ các tổ chức tín dụng. Cơ quan soạn thảo nên xem xét, bỏ bớt các điều kiện như: điều kiện về tài sản bảo đảm bởi lẽ theo quy định của pháp luật, thậm chí các tổ chức tín dụng cũng không bắt buộc mọi trường hợp cho vay phải có tài sản bảo đảm...
Một số đại biểu cũng đề nghị dự án Luật cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm, vai trò của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) khẳng định: Nếu không nêu trách nhiệm cụ thể cho những hiệp hội cụ thể sẽ gây khó khăn cho việc nắm bắt các đầu mối triển khai và sẽ trở lại tình trạng chung chung, không có ai chịu trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Theo TTXVN