Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, các địa phương trên toàn tỉnh tích cực vận động Nhân dân dồn điền liên kết với doanh nghiệp triển khai mô hình CĐL. Đến nay, một số nơi đã hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh cây trồng tập trung hiệu quả cao. Đơn cử, các mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa sạch, bắp giống ở xã Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Vinh (Ninh Phước).
Cánh đồng lúa của nông dân xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc
Hiệu quả của các mô hình mới đã khuyến khích một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Linh Đan (chuyên sản xuất, thu mua măng tây xanh), Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (chuyên sản xuất giống lúa, bắp)… cam kết hợp tác làm ăn lâu dài với nông dân. Tuy nhiên, về phía nông dân, vẫn còn không ít hộ chưa sẵn sàng vươn ra “biển lớn”. Qua thăm dò của UBND xã Phước Hậu, có tới 50% hộ dân trên địa bàn còn do dự với chương trình xây dựng CĐL đang là “nút thắt” cần sớm tháo gỡ. Có một điều trùng hợp, các hộ trên đều sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập từ làm nông thấp. Anh Quảng Đại Trung ở thôn Phước Đồng, làm 4 sào ruộng, mỗi vụ thu lãi 6 triệu đồng, số tiền không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình có 5 người. Để tạo thêm thu nhập, khi nông nhàn anh Trung đi lao động ngoài tỉnh. Ban đầu chỉ làm theo mùa vụ, nhưng sau đó thấy thu nhập từ nghề “tay trái” cao hơn làm lúa nên cả gia đình anh lơ là công việc đồng áng.
Rõ ràng sản xuất nông nghiệp manh mún không còn là nguồn thu nhập duy nhất của nhiều nông hộ, nhưng khi đề cập đến chuyện dồn điền sản xuất theo mô hình CĐL để tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm thì không ít nông dân thờ ơ đứng ngoài cuộc. Đi sâu tìm hiểu vấn đề, được biết, nguyên nhân của hạn chế này là do hiện nay có nhiều hộ coi Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp như vật “cứu cánh”, dùng cầm cố vay tiền giải quyết những công việc đột xuất, vì vậy không muốn nhập chung thửa ruộng của mình. Chia sẻ với hoàn cảnh của người dân ở vùng nông thôn, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho bà con là phải nâng cao vai trò của HTX trong hoạt động tín dụng nội bộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình HTX kiểu mới có khả năng huy động vốn cao, giúp thành viên giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Đơn cử, từ nguồn Quỹ tín dụng nội bộ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức (xã Phước Hữu) đã hỗ trợ thành viên những lúc ngặt nghèo, từ đó họ an tâm tham gia liên kết sản xuất lúa sạch trên quy mô lớn.
Khi HTX phát huy được vai trò “bà đỡ” cho thành viên, thì việc tập hợp nông dân cùng chung chí hướng xây dựng CĐL là không khó. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh là khả năng huy động vốn chưa cao, năng lực quản trị yếu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định. Thực tế này đòi hỏi các địa phương phải tiến hành rà soát, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của HTX để “mở đường” cho thực hiện chương trình xây dựng CĐL thành công.
Anh Tùng