Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nội dung xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa được xác định là vấn đề cốt lõi, do đó Ban chỉ đạo các cấp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và được đông đảo Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia thực hiện. Khởi đầu năm 1992, Ninh Thuận phát động xây dựng thôn văn hóa đầu tiên tại thôn Rã Giữa, xã Phước Trung (Bác Ái) và là thôn phát động xây dựng đầu tiên của cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Các vận động viên biểu diễn lướt ván diều nghệ thuật tại Giải Lướt ván diều KTA Tour Châu Á- Ninh Thuận năm 2016.
Qua 25 năm, công tác xây dựng thôn, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa đã thực sự đi vào chiều sâu, phát triển toàn diện góp phần xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã phát động xây dựng được 398/402 thôn, khu phố văn hóa, đạt 99%; phát động xây dựng 20/47 xã văn hóa nông thôn mới, 16/18 phường, thị trấn văn minh đô thị. Kết quả, có 294/402 thôn, khu phố văn hóa được công nhận; 10/18 phường, thị trấn đạt văn minh đô thị; 16 xã nông thôn mới. Toàn tỉnh có hơn 87% gia đình văn hóa, 100% thôn, khu dân cư xây dựng xong quy ước. Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như Nhà văn hóa trung tâm, Quần thể Bảo tàng-Tượng đài-Công viên; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng nhà văn hóa; các thôn, khu phố đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Từ nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa, toàn tỉnh hiện có trên 443 thiết chế văn hóa thể thao, 303 CLB thể dục-thể thao (TDTT) bố trí rộng khắp địa bàn tỉnh được khai thác, sử dụng triệt để công năng, góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí, rèn luyện TDTT cho Nhân dân. Nhờ đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa và dễ dàng đi vào đời sống của từng cá nhân, gia đình, góp phần gìn giữ chuẩn mực nền nếp, truyền thống đạo đức, khơi dậy sự sáng tạo trong lao động sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển...
Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận - 2016. Ảnh: V.M
Đội mã la của đồng bào Raglai ở xã Phước Hòa biểu diễn tại chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng- Mừng Xuân Đinh Dậu 2017” tại huyện Bác Ái;
Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động toàn diện đến sự phát triển KT-XH ở các địa phương, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo. Thông qua nhiều hình thức như: Hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ, khoa học-kỹ thuật, đào tạo nghề… đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế. Ngoài ra, mỗi địa phương thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… đã có nhiều hình thức giúp nhau xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả. Thông qua Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng đóng góp tiền, nhường đất, đóng góp ngày công để xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo. Chỉ tiêng giai đoạn 2000-2016, toàn tỉnh xây dựng và sửa chữa 12.587 nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, với kinh phí trên 100,88 tỷ đồng; hỗ trợ gần 30 tỷ đồng cho các hộ nghèo duy trì và phát triển sản xuất, khắc phục thiên tai… góp phần trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2016 chỉ còn 12,54% (tiêu chí mới). Việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo nên diện mạo kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh cả về văn hóa lẫn KT-XH, quốc phòng-an ninh, khơi dậy nguồn lực truyền thống đoàn kết, tạo nên sức mạnh nội lực trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư; tạo môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, những hủ tục và nỗ lực ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng no ấm.
Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: Phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian đến, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phong trào vào thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH hằng năm của địa phương, đơn vị để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện; gắn kết, lồng ghép việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2016-2020 với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tiếp tục đầu tư xây dựng các loại hình thiết chế văn hóa ở cơ sở, trang thiết bị cho các đội thông tin lưu động, các nhà văn hóa… nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, làm công cụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Tin tưởng rằng với những thành công đã đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sẽ có những bước tiến mới vững chắc hơn nữa trong thời gian tới để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh một cách bền vững.
Xuân Bính