Tạo bước đột phát cho phát triển ngành thủy sản

(NTO) Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2011 đến nay, quy mô kinh tế thủy sản có xu hướng tăng lên, cơ cấu ngành nghề bước đầu có sự thay đổi tích cực. Về nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong 5 năm (2011-2015) ước đạt tổng sản lượng 64.300 tấn thủy sản, gấp 1,3 lần giai đoạn trước; trong đó, sản lượng tôm nuôi gấp 1,31 lần, tăng 13% so với mục tiêu đề ra; tổng sản lượng sản xuất tôm giống cũng đã tăng nhanh, bình quân đạt sản lượng 19,6 tỷ con/năm, vượt xa con số 7,4 tỷ con/năm của giai đoạn trước. Về khai thác hải sản, năng lực đánh bắt tăng mạnh từ 30-40 tàu/năm, tăng chủ yếu ở nhóm tàu có công suất từ 200 CV trở lên. Với sức phát triển đó, đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng các cảng, bến cá đồng bộ. Chính vì thế, Nghị quyết (NQ) số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” chỉ rõ nhiệm vụ: Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, trọng tâm là đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng cá Mỹ Tân, Ninh Chử, Đông Hải, Cà Ná thành các trung tâm thương mại nghề cá, khu tránh trú bão của tỉnh và khu vực miền Trung.

 
Cảng Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) được đầu tư mở rộng đáp ứng nhu cầu dịch vụ nghề cá của ngư dân địa phương.
Ảnh: Văn Miên

Thực tế từ những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, đến nay, tỉnh ta đã đầu tư, nâng cấp và mở rộng 3 cảng cá (Đông Hải, Ninh Chử, Cà Ná) và 1 bến cá Mỹ Tân với khả năng cho phép neo đậu 3.200 tàu cá. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng hóa, tiếp nhận các dịch vụ, neo đậu tránh trú gió, bão an toàn..., góp phần phát triển nghề khai thác hải sản tại địa phương. Đối với lĩnh vực chế biến thủy sản, ngành Thủy sản đã tập trung xây dựng được vùng nguyên liệu chủ lực phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Sản phẩm công nghiệp chế biến tiếp tục được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đơn cử như chế biến tôm xuất khẩu tăng 3,4 lần. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng tỉnh ta, có thể thấy tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển (nhóm ngành Thủy sản) vẫn chưa khai thác được nhiều.

Vì vậy, để phát triển thủy sản đóng góp tích cực hơn cho kinh tế biển, trong thời gian tới, tỉnh ta xúc tiến kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) cảng biển quốc tế Cà Ná, với quy mô công suất hàng hóa qua cảng đạt 25 triệu tấn/năm; nâng cấp Cảng cá Ninh Chử thành khu cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu đến 10.000 DWT, tương ứng tàu trọng tải 10.000 tấn; hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ logistics (hậu cần), tạo tiền đề phát triển mạnh công nghiệp ven biển. Về NTTS, quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại Ninh Hải, Thuận Nam, đặc biệt khai thác và bảo vệ hiệu quả tính đa dạng sinh học đối với các đối tượng nuôi vùng đầm Nại.

Các dự án nói trên một khi hoàn thành sẽ là chất xúc tác thúc đẩy nghề cá phát triển, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để tiếp tục khai thác các lợi thế, tiềm năng về biển. Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: “Hiện nay bên cạnh quy hoạch đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện cảng cá, bến cá, trước mắt đang tiếp tục thi công các công trình nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Cảng cá Đông Hải, nâng cấp mở rộng bến cá Mỹ Tân, đây là các công trình chuyển tiếp của năm 2015 chuyển sang năm 2016”. Có thể nói, việc xây dựng hạ tầng cảng cá không chỉ góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản tại địa phương, mà còn là yếu tố cần thiết để hình thành trung tâm thương mại dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực theo hướng phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh vùng biển.

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở NN&PTNT đề ra mục tiêu phấn đấu hằng năm tăng giá trị sản xuất thủy sản 7-8%, huy động tốt nhất mọi nguồn lực cho khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển. Thực hiện NQ số 07-NQ/TU, nhằm tạo bước đột phá, toàn ngành tập trung phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản, tổ chức lại nghề khai thác hải sản; phát triển NTTS gắn với chế biến và kết hợp phát triển du lịch. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai ứng dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi, phát triển nuôi trồng, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề khai thác thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học các vùng ven biển.