Nhọc nhằn nghề muối

(NTO) Nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho diêm dân phát triển nghề muối. Huyện Ninh Hải được coi là “thủ phủ” sản xuất muối của tỉnh, nhưng 5 năm trở lại đây, điệp khúc “được mùa, rớt giá” cứ bám lấy diêm dân…

Muối rớt giá !

Gần 11 giờ trưa, chúng tôi đến xã Tri Hải tận mắt trông thấy hàng trăm đống muối vun sẵn, đóng bao chờ xe đến để chở. Cứ một lần cào muối (3 lần cào/vụ) với 3 sào ruộng muối, ông Võ Văn Phụng (thôn Tri Thủy, xã Nhơn Hải, Ninh Hải) được khoảng 4 tấn. Muối ở đây tuy xa đường giao thông, nhưng do muối nền đẹp nên cũng bán với giá khoảng 310 nghìn đồng/tấn, thu được hơn 1,2 triệu đồng. “Gia đình phải thuê công cào, vác muối, cộng các khoản chi phí hết 600 nghìn đồng. Giá muối thấp mãi như thế này, diêm dân chúng tôi không biết có trụ được với nghề hay không nữa” - ông Phụng than thở. 

Giá muối nền đất đã như vậy, thì người làm muối trải bạt (sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trên nền ruộng) đầu tư chi phí cả tỷ đồng trên mỗi ha cũng rơi vào tình cảnh “chết dở, sống dở”, khi giá mỗi tấn muối chỉ nhích lên con số 450 ngàn đồng/tấn. Cả tháng nay, anh Nguyễn Thiên Kỳ, ở xã Tri Hải, không màng đến chuyện ra thăm ruộng muối vừa đầu tư hàng tỷ đồng để trải bạt sản xuất và đã thu hoạch hơn 300 tấn muối trải bạt đang chất đống ngoài ruộng. Thay vào đó, từ sáng sớm cho đến tối, vợ chồng anh luôn tất bật với việc chạy tìm các chủ vựa để “tiếp thị” mong bán được muối và phải vay mượn tiền của người thân để trả dần tiền công cho những người cào muối.

 
Diêm dân huyện Ninh Hải thu hoạch muối.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao giá muối thấp, chúng tôi được các chủ vựa ở địa phương cho biết, hiện tại, các cơ sở thu mua đã tồn kho hàng chục nghìn tấn và chưa tìm được đầu ra. Theo họ, gần đây, các tỉnh phía Bắc, phía Nam chuyển sang tiêu thụ muối nhập khẩu nên đầu ra cho muối sản xuất trong nước rất khó khăn, vì không đủ sức cạnh tranh. Hơn nữa, tại địa phương đã đẩy mạnh việc khuyến khích các cơ sở thu mua muối của diêm dân nhưng do muối trong kho tồn đọng còn nhiều nên họ còn “rụt rè” trong việc thu mua muối của diêm dân.

Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ninh Hải, cho biết: Hiện nay, toàn huyện Ninh Hải có 719 hộ sản xuất trên diện tích 652 ha muối nền đất, cũng là địa phương có diện tích sản xuất muối truyền thống lớn nhất tỉnh ta. Tuy nhiên, vào thời điểm này, hàng trăm hộ sản xuất muối đang lo lắng khi giá bán cho các cơ sở thu mua chỉ dao động từ 250-280 nghìn đồng/tấn, muối “đẹp” hơn từ 300-350 nghìn đồng/tấn (muối nền đất) và từ 450- 480 nghìn đồng/tấn (muối trải bạt). Do giá muối thấp nên lượng muối tồn trong dân khá lớn.

Diêm dân lao đao !

Với lượng muối tồn hàng chục nghìn tấn, hiện nay diêm dân ở Ninh Hải gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ chuyển sang tận dụng các ô chứa nước biển để nuôi Artemia mong sẽ bán cho những hộ khác làm thức ăn nuôi tôm. Tuy nhiên, thực chất đây là cách “cầm hơi”, chứ không hiệu quả, vì thức ăn cho tôm đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng, còn Artemia nuôi trên ruộng muối chưa kiểm định chất lượng cho nên không tiêu thụ được. Xót hơn là chuyện để đối phó với các khoản nợ vay đầu tư làm muối, nhiều diêm dân vẫn tiếp tục bơm, dẫn nước vào các ruộng muối đã kết tinh nhưng bà con không thu hoạch, mục đích là làm cho muối tan trở lại hoặc kéo dài thời gian kết tinh. Ông Út Thuận ở xã Nhơn Hải, than vãn: “Tôi làm 4 ha muối nền đất và đã thu hoạch, mặc dù giá giảm mạnh nhưng tư thương cũng không muốn mua, đành phải vun muối thành đống tại ruộng. Nhiều người nuôi tôm cũng từ chối việc mua Artemia làm thức ăn cho tôm, giờ đang lỗ nặng và đứng trước tình cảnh vỡ nợ, không biết phải làm sao!”.

Ở huyện Ninh Hải hiện có 15 hộ đầu tư tiền tỷ để sản xuất muối trải bạt với diện tích hơn 54 ha. Hiện tại 15 hộ này vì phải tiếp tục duy trì sản xuất, mặc dù đang bị lỗ nặng nhưng nếu ngưng bơm nước vào các ô chứa, thì bạt trải sẽ bị khô giòn và hư hỏng, thiệt hại càng nặng hơn…

Cần chính sách hỗ trợ cho diêm dân !

“Đứng trước khó khăn này, vào tháng 3-2016, huyện Ninh Hải đã gửi văn bản cho UBND tỉnh về việc giải quyết tình hình tiêu thụ muối cho diêm dân gặp khó khăn. Sau đó, vào ngày 12-4-2016, Phòng NN&PTNT được thông tin từ Sở NN&PTNT đã trình Chính phủ xem xét, cho chủ trương thu mua muối tạm trữ cho diêm dân với giá 500 nghìn đồng/tấn đối với muối nền đất và 700 nghìn đồng/tấn đối với muối trải bạt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có phản hồi nên dù giá muối giảm nhiều nhưng diêm dân vẫn “bán đổ, bán tháo” để tiếp tục sản xuất", đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải cho biết.

Theo diêm dân ở huyện Ninh Hải, việc hỗ trợ thu mua muối cần phải đúng thời điểm nếu không người hưởng lợi không phải là diêm dân, mà là các thương lái. Vào khoảng tháng 3, tháng 4 vào vụ thu hoạch chính, nên cần có chính sách thu mua tạm trữ vào thời điểm đó. Còn nếu việc triển khai thu mua tạm trữ muộn hơn, diêm dân là người bị thiệt thòi vì đã bán muối cho các cơ sở thu mua để có tiền trang trải chi phí và tiếp tục sản xuất.

Tin rằng, với tình cảnh muối mất giá như hiện nay, rất cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng mục đích, đúng thời điểm, để diêm dân và doanh nghiệp sản xuất muối không bị thua thiệt như nhiều năm qua.