Vẫn còn những khó khăn..
Theo đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khó khăn của việc XKLĐ trong thời gian qua chủ yếu đến từ người LĐ, do tâm lý người LĐ trong tỉnh còn ngại đi làm xa, trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật của người LĐ còn hạn chế, không đáp ứng với yêu cầu khắt khe của một số nước phát triển như Nhật Bản; công tác tuyên truyền về XKLĐ ở một số địa phương chưa có sự chỉ đạo tích cực, việc tuyên truyền, vận động còn hạn chế; công tác tạo nguồn XKLĐ chưa được quan tâm nên việc vận động LĐ tham gia XKLĐ không hiệu quả.
Công tác tư vấn xuất khẩu lao động.
Thực tế cho thấy, người LĐ tại tỉnh ta vẫn chưa “mặn mà” với XKLĐ vì rất nhiều lý do. Ngoài việc ngại học ngoại ngữ, ngại đi làm xa, sợ không an toàn trong quá trình làm việc, thì vấn đề lo lắng trên hết là sợ không trả được tiền vay, sợ học xong không trúng tuyển thì mất khoản chi phí ban đầu khá nhiều, nên nhiều LĐ chưa mạnh dạn đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, chưa phù hợp với thị trường lao động thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan. Riêng thị trường Hàn Quốc trước mắt tạm dừng tuyển mới, chỉ tuyển lại những người đã hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn. Còn đối với thị trường Malaysia được xem là thị trường dễ tính, tuyển LĐ phổ thông, chi phí thấp nhưng thu nhập bình quân chỉ 8 triệu đến 15 triệu đồng/tháng nên cũng chưa thu hút được người LĐ.
Đối với không ít LĐ, để có vốn trang trải chi phí đi XKLĐ đang là vấn đề nan giải. Hiện nay các đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đi XKLĐ là những gia đình chính sách, hộ nghèo và chủ yếu XKLĐ các nước có thu nhập trung bình. Còn việc tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho LĐ đăng ký đi làm việc ở thị trường có chi phí xuất cảnh cao như thị trường Nhật Bản, Đài Loan còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Anh Trần Quốc Thắng, ở phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, chia sẻ: Bản thân và gia đình rất muốn đi XKLĐ ở thị trường Nhật Bản, mặc dù đã đăng ký hồ sơ, tuy nhiên chi phí xuất cảnh khá cao, trên 100 triệu đồng, vì vậy hiện nay đang phải chờ để tìm nguồn vốn, mới có thể đi được. Tương tự, anh Lưu Ngọc Lý (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam) cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn để đi XKLĐ tại Nhật Bản. Anh Lý cho biết: Nếu được qua thị trường Nhật Bản thì hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng chi phí để xuất cảnh là một trở ngại lớn, muốn vay vốn qua ngân hàng cũng rất khó khăn.
Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện nay còn 23 lao động có nguyện vọng tham gia thị trường Nhật Bản nhưng không đủ vốn, vì để được đi qua thị trường này, mỗi lao động cần bỏ ra chi phí từ 120-180 triệu đồng, đây là số tiền khá cao, đặc biệt là LĐ ở khu vực nông thôn, nếu không có nguồn vốn vay từ ngân hàng thì khó có LĐ nào có thể xuất cảnh được.
Cần sự quyết tâm cao:
Theo chỉ tiêu trong năm 2016, tỉnh ta phấn đấu đưa 120 lao động đi XKLĐ, nhưng thực tế cho thấy mục tiêu trên khó hoàn thành. Tuy vậy, theo đồng chí Trần Văn Trưa, ngành LĐ-TB&XH vẫn đang quyết tâm, nỗ lực để đưa LĐ đi XKLĐ với số lượng cao nhất có thể. Trước mắt sẽ đề xuất Ban chỉ đạo giải quyết việc làm-XKLĐ tạo điều kiện về vốn vay cho những LĐ đăng ký đi XKLĐ nhưng thiếu vốn. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là của tỉnh về công tác đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; điều kiện tham gia các thị trường LĐ nước ngoài đến các ngành, đoàn thể, địa phương, Nhân dân và người LĐ nắm rõ, nhằm phát huy hiệu quả công tác vận động, tư vấn người LĐ đăng ký tham gia; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các hoạt động đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo kế hoạch tại các địa phương; thường xuyên cập nhật, tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, cộng tác viên của các ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là cán bộ cấp xã làm công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người LĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo giải quyết việc làm-XKLĐ các cấp. Tập trung theo dõi, chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về XKLĐ; phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương kiên quyết xử lý đúng theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.
XKLĐ là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp nhiều LĐ nông thôn thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này tại tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết những trở ngại, vướng mắc trong công tác XKLĐ, trước mắt cũng như lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa của các cấp, các ngành, đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ cho người LĐ vay vốn để đi XKLĐ. Có như vậy công tác XKLĐ tại tỉnh ta mới thực sự thu hút đông đảo người LĐ tham gia.
Thế Quang