Triển khai từ tháng 11-2015, đến nay, mô hình “Cặp lồng tới trường” được xem là hình thức xã hội hóa giáo dục mang lại nhiều triển vọng trong việc duy trì số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non, nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ trên địa bàn huyện Bác Ái.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường Mẫu giáo Phước Chính.
Để triển khai thí điểm mô hình, những ngày đầu năm học 2015-2016, lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Bác Ái đã vận động các nhà hảo tâm trao tặng Trường Mẫu giáo Phước Đại 90 chiếc cặp lồng, Trường Mẫu giáo Phước Chính 127 chiếc cặp lồng và vận động phụ huynh học sinh chuẩn bị cơm hộp cho con trước khi tới lớp. Cô giáo Phạm Thụy Thảo Trinh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Chính, chia sẻ: Để mô hình triển khai hiệu quả, ngay khi có chủ trương của huyện, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức nhiều buổi họp để giải thích, vận động phụ huynh tham gia thực hiện. Tuy mới triển khai song mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp cán bộ, giáo viên nhà trường giảm áp lực trong việc chuẩn bị bữa ăn cho các cháu, dành nhiều thời gian cho hoạt động chuyên môn, nuôi dạy trẻ. Cũng từ mô hình, phụ huynh học sinh dần thay đổi nhận thức, có trách nhiệm hơn với việc học của con em. Các cháu được ăn trưa tại trường nên việc duy trì sĩ số được đảm bảo, chất lượng giáo dục vì thế được nâng lên rõ rệt.
Từ hiệu quả mà mô hình mang lại, đến nay, Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái đã vận động, quyên góp thêm 150 chiếc cặp lồng trao tặng và nhân rộng mô hình “Cặp lồng tới trường” tại các Trường Mẫu giáo: Phước Hòa, Phước Bình, Phước Trung. Đồng chí Nguyễn Thị Thùy Linh, chuyên viên phụ trách cấp Mầm non, Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái, cho biết: Những năm trước đây, tình trạng trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường trên địa bàn huyện còn thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo các cháu ra lớp đúng độ tuổi, song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo chương trình giảng dạy, phòng chủ động triển khai chủ trương của ngành về đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục mầm non, tranh thủ các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Năm học này, do cấp Mầm non còn thiếu nhiều giáo viên nên để nâng cao chất lượng giảng dạy, bên cạnh việc triển khai mô hình “Cặp lồng tới trường”, Trường Mẫu giáo xã Phước Thắng còn thực hiện xã hội hóa giáo dục bằng cách nhờ phụ huynh thay phiên nhau đến trường nấu cơm cho các cháu mỗi ngày; huyện kêu gọi các địa phương, ban, ngành, đoàn thể xây dựng, duy trì mô hình “Hũ gạo giáo dục”, quyên góp, trao tặng cho các trường mầm non mỗi học kỳ khoảng 900kg gạo; Phòng GD&ĐT huyện vận động doanh nghiệp hỗ trợ 20 triệu đồng may đồng phục cho các cháu Trường Mẫu giáo Phước Chính, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh trao tặng 1.700 bộ quần áo cho các trường mầm non; Câu lạc bộ Khởi nghiệp trẻ (TP. Hồ Chí Minh) tặng 3 máy vi tính, 3 đầu DVD cho Trường Mẫu giáo Phước Tân; phụ huynh học sinh hỗ trợ vật liệu xây dựng, ngày công bê-tông sân chơi, cùng giáo viên các trường làm đồ chơi, trang trí lớp học sinh động, thân thiện…, tạo không gian học tập tốt hơn để thu hút trẻ đến trường.
Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đến nay, chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Bác Ái ngày càng được nâng cao. Năm 2015, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Nhận thức của người dân và xã hội về sự nghiệp giáo dục dần thay đổi theo hướng tích cực, tỷ lệ trẻ đến trường chuyên cần tăng lên, số trẻ nghỉ học cách nhật giảm, chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ vì thế được nâng lên rõ rệt.
Tiến Mạnh-Phạm Lâm