Nhật ký hải trình “Trường Sa thân yêu”:

Hơi ấm Tết ở Trường Sa

(NTO) Trong không khí tiết Xuân đã về, chúng tôi cảm nhận hơi ấm Tết cổ truyền đang đến gần với cán bộ, chiến sĩ, người dân trên quần đảo Trường Sa hơn bao giờ hết.

 
Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây gói bánh chưng bằng lá bàng vuông.

Tại đảo Song Tử Tây, đón nhận những tình cảm nồng ấm của muôn triệu trái tim từ đất liền, trong niềm xúc động, Trung tá Trương Sỹ Nam, Đảo trưởng Đảo Song Tử Tây, chia sẻ: “Bánh chưng, bánh tét không thể thiếu trong những ngày Tết. Cũng như trong đất liền, cứ mỗi dịp Tết đến, cán bộ, chiến sĩ trên đảo lại tổ chức gói bánh chưng. Ngoài các lá dong, lá chuối để gói bánh, trên đảo còn gói bánh chưng bằng lá bàng vuông…”. Thật hạnh phúc, khi chúng tôi được hòa mình với chiến sĩ Cụm chiến đấu 3 trên đảo gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Lý giải vì sao lại dùng lá bàng vuông để gói bánh, Đại úy Đinh Cao Toan, Chính trị viên Cụm chiến đấu 3, chia sẻ: Gói bánh chưng bằng lá dong, lá chuối là việc thường làm trong mỗi dịp Tết cổ truyền ở đất liền, ở đây anh em gói bánh chưng bằng lá bàng vuông là muốn mang vị mặn của biển, vị nắng, gió ở Trường Sa vào bánh.

Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông đã là điều khác biệt, nhưng ra Trường Sa chúng tôi mới biết, còn một lá nữa mà cán bộ, chiến sĩ cũng thường dùng gói bánh chưng, đó là lá dừa. Nếu nói cây phong ba và cây bàng vuông là biểu tượng của Trường Sa, thì lá dừa ở đảo Nam Yết là nét đặc trưng riêng của đảo. Ấn tượng thay khi được chứng kiến tận mắt cán bộ, chiến sĩ trên đảo gói bánh chưng bằng lá dừa. Chia sẻ cùng chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Hưng Nhân, Trung tâm 47 của đảo, cho biết: Anh em ở đây ăn Tết đều xa nhà, vì muốn mang hơi ấm của đất liền, của gia đình gần hơn với biển, nên trong khi gói bánh, anh em đã có ý tưởng đưa lá dừa vào để gói bánh. Quan trọng hơn, vì cây dừa là nét đặc trưng riêng của đảo…

 
Cây mai được cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết làm để đón Tết.

Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết…, những đảo nổi, đảo chìm nơi chúng tôi đến đang cùng đất trời vào xuân bừng lên sức sống. “Em ra đảo làm nhiệm vụ đã được 6 tháng. Đây là cái Tết đầu tiên, không chỉ riêng em, mà còn nhiều anh em khác cũng ăn Tết xa nhà… Chúng em cùng bảo nhau rằng, “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, ăn Tết ở đảo là niềm hạnh phúc thiêng liêng vì được góp phần bảo vệ nơi tiền tiêu của Tổ quốc” - Binh nhất Nguyễn Văn Hùng, Phân đội 2, Cụm chiến đấu 2, đảo Nam Yết, tâm sự.

Dù thời khắc giao thừa chưa đến nhưng với những người lính đảo chỉ cần thấy tàu từ đất liền ra là cảm nhận hơi ấm Tết đã đến gần với Trường Sa. Trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, “hoa mai” tự làm, đêm giao lưu văn nghệ chào mừng Xuân Bính Thân, chào đón tân binh, chia tay những người vừa hoàn thành nhiệm vụ… diễn ra ngay tại cột mốc chủ quyền, tất cả quân-dân trên đảo cùng say sưa cất lên những câu hát giữa muôn trùng sóng gió trên lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tạo nên không khí tươi vui, đoàn kết, sáng một niềm tin yêu vào tương lai phát triển của đất nước và biển đảo quê hương, khiến cho mọi người thật xúc động.

Tình cảm đó mãi làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng trời, vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc… Đâu đó còn vang vọng lời thề: Còn người thì còn đảo, đất liền hãy tin vào chúng tôi!