Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động DT-HT do nhu cầu từ gia đình, một số phụ huynh vì muốn con mình giỏi, giành được kết quả cao trong các kỳ thi; cho con học thêm theo phong trào; con học thêm vì gia đình không có thời gian quan tâm, quản lý hoặc muốn con học thêm được giáo viên ưu ái hơn khi học trên lớp. Về phía học sinh do tâm lý chưa yên tâm giờ học chính khóa không đủ kiến thức để vượt qua các kỳ thi hoặc bắt chước bạn bè học thêm, bản thân không thể tự học. Về phía giáo viên vì áp lực chương trình trên lớp; dạy theo nhu cầu người học; tăng thu nhập . . .
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập môn Toán. Ảnh: Sơn Ngọc
DT-HT được tổ chức dưới các hình thức: HS học thêm trong trường do nhà trường tổ chức quản lý, HS tự đăng ký học thêm ngoài giờ học chính khoá hoặc dạy tăng tiết theo thời khoá biểu chủ yếu để phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi, ôn tập thi tốt nghiệp THPT, dạy thêm theo nguyện vọng của học sinh; DT-HT ngoài nhà trường gồm: bồi dưỡng văn hóa, luyện thi ở các trung tâm, GV tự tổ chức các lớp học độc lập hay dạy kèm tại tư gia (gia sư).
Thực chất của DH-HT, chúng ta phải thừa nhận mặt tích cực của nó, bản chất của DH-HT không có gì đáng phê phán, nếu như nó được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định của ngành. DH-HT xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện, củng cố, bổ sung, khắc sâu kiến thức, học thêm đúng sẽ góp phần nâng cao kiến thức của người học, đồng thời sẽ là động lực để giáo viên không ngừng tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. . .
Tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực của DT-HT còn vẫn tồn tại, dù không phổ biến, song lại gây nhiều bức xúc trong dư luận. DT-HT không còn mang ý nghĩa nguyên vẹn của nó mà bị biến tướng dưới nhiều hình thức làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và ảnh hưởng không tốt đến danh dự, uy tín của nhà giáo, gây bất bình cho phụ huynh HS làm mất niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục. Những biểu hiện lệch lạc khi dạy thêm trước chương trình, trù dập HS không học thêm bằng nhiều cách, cho HS học thêm biết trước nội dung đề kiểm tra, dạy sơ sài ở lớp học chính khóa khiến HS không đi học thêm không hiểu bài, GV xin được dạy ở “trường chọn, lớp chọn” để đánh bóng tên tuổi thu hút dạy thêm nhưng hàm lượng kiến thức không đáp ứng đủ yêu cầu của HS “trường chọn, lớp chọn” . . .
Để quản lý chặt chẽ việc DT-HT như hiện nay là tạo ra sự bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi người, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 17, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định 62 về quy định DT-HT, nhìn chung đã chấn chỉnh ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực DT-HT tràn lan đạt được những kết quả nhất định.
Đứng trước những thách mà khoa học, kỹ thuật trong thời đại ngày nay phát triển nhanh chóng, là HS đang ngồi trên ghế nhà trường cần phải xác định được mục tiêu thái độ học tập, định hướng rõ ràng về mục đích học tập để từ đó xác định nội dung, phương pháp học phù hợp, hiệu quả. Tích cực, tự giác học tập, chủ động tiếp thu kiến thức có chọn lọc của thầy cô giáo, của xã hội biến nó thành kiến thức, kỹ năng của mình. Xác định việc học chính khóa hay ngoại khóa là để tiếp thu kiến thức, làm giàu kho tri thức của mình vì cuộc sống sau này, vì tương lai của chính chúng ta.
Đối với nghề giáo cần phải có cái “tâm”, “tài” và “đức”, phải có tình thương, tâm huyết với nghề nghiệp coi việc dạy thêm hay dạy chính khóa là trách nhiệm của mình, tạo sức lôi cuốn HS thông qua các bài giảng, sự quan tâm và thái độ học tập của người học là thước đo cao nhất đối với người dạy; lãnh đạo nhà trường hãy chung tay truyền “lửa” cho giáo viên để thầy cô giáo đem hết tâm huyết, lòng nhiệt tình, mến trẻ với nghề và có trách nhiệm với những học sinh thân yêu của mình, thành công lớn nhất của nghề giáo là sự kính trọng của HS, phụ huynh và toàn xã hội.
Đức Lý