1. Ý tưởng thành lập quân đội Liên hiệp Châu Âu (EU) vừa được Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean Claud Juncker đưa ra, đã gây xôn xao dư luận. Theo lãnh đạo EC, lực lượng quân đội chung ra đời vừa ngăn chặn những mối đe dọa từ bên ngoài, vừa giúp EU phối hợp tốt hơn về chính sách đối ngoại, quốc phòng và thực thi các nhiệm vụ chung của châu lục cũng như của thế giới.
Ngay sau đó, Tổng thư ký NATO Jeans Stoltenberg, hôm 11-3, đã lên tiếng cảnh báo việc phát triển lực lượng Liên minh Châu Âu và gọi đây là sự trùng lặp không hiệu quả.
Đáng nói là đề xuất đưa ra giữa lúc nghi kỵ giữa Châu Âu và Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine chưa được hóa giải, phần nhiều do cáo buộc lẫn nhau đe dọa an ninh. Ngay lập tức, một nghị sĩ, thành viên Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga cũng cảnh báo, một đội quân thống nhất của EU nếu được thành lập sẽ chỉ đóng vai trò khiêu khích với hòa bình và an ninh khu vực. Phi lý ở chỗ, tuyên bố không muốn chiến tranh ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng EU lại muốn lập lực lượng nhằm đối trọng Nga.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo Đức, Chủ tịch EC Jean Claud Juncker cho rằng, EU cần một lực lượng quân đội của riêng mình để đối phó với Nga và các mối đe dọa khác, cũng như khôi phục vị thế chính sách đối ngoại của khối này trên thế giới.
2. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã phá hủy thành cổ 3.000 năm tuổi Nimrud, một trong những chiếc nôi của nền văn minh nhân loại.
Bộ Du lịch Iraq cho biết, chưa đầy một tuần sau khi phiến quân IS đập phá những cổ vật ở Viện Bảo tàng thành phố Mosul (Iraq), tổ chức này lại tiếp tục dùng máy xúc phá hủy thành cổ Nimrud- được thành lập vào thế kỷ 13 trước Công nguyên. Các nhà khảo cổ học cho biết, những thiệt hại này là không thể bù đắp nổi đối với nền văn hóa Iraq và khiến cả thế giới phẫn nộ.
Trước thực trạng trên, Chính phủ Iraq đã lên tiếng kêu gọi liên minh quốc tế, đặc biệt là LHQ hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhằm ngăn chặn IS gia tăng các hoạt động phá hủy các di sản văn hóa. Các phiến quân cực đoan IS đang thực hiện chiến dịch xóa bỏ các di tích cổ, mà chúng coi là thúc đẩy tư tưởng sùng bái thần, vi phạm sự diễn giải cơ bản của luật Hồi giáo.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi các hành động phá hoại các di tích văn hóa là tội phạm chiến tranh.
3. Một cuộc chiến ngoại giao vừa được Mỹ châm ngòi, khi Tổng thống B. Obama ban hành sắc lệnh hành chính, trong đó tuyên bố Venezuela là “mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ”, và đi kèm lệnh áp đặt trừng phạt 7 quan chức của quốc gia Nam Mỹ này. Việc tuyên bố một nước là “mối đe dọa an ninh quốc gia” được cho là bước đầu tiên để Washington khởi động chương trình trừng phạt và với động thái này, Mỹ đã xác nhận Venezuela là “đối thủ chính” ở khu vực Mỹ la-tinh, cụm từ được Mỹ áp dụng với Cuba nhiều thập kỷ qua.
Tuyên bố chống Venezuela là động thái của Washington đáp trả các bước đi của Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro nhằm đối phó hành động của Mỹ can thiệp vào nội bộ Venezuela. Cuối tháng 2 vừa qua, Venezuela cấm nhập cảnh đối với một loạt quan chức Mỹ bị xếp vào “danh sách khủng bố”, đồng thời áp đặt một hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả công dân Mỹ, sau khi Venezuela phát hiện sự dính líu của Mỹ trong một âm mưu lật đổ chính quyền ở Caracat.
Bước đi của Mỹ đẩy mối quan hệ vốn căng thẳng giữa 2 nước xuống mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Venezuela N. Maduro lên nắm quyền năm 2013. Ông Maduro coi đây là hành động tuyên chiến và khẳng định rõ cùng người dân bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chính phủ và tổ chức quần chúng ở Mỹ la-tinh đồng loạt phản đối sắc lệnh của Tổng thống Mỹ và coi đây là bước leo thang căng thẳng và là tiền đề để Mỹ can thiệp vào Venezuela.
PV